nếp học tập thường xuyên trong chi bộ. Đồng thời còn quy định “chế
độ Đảng viên” và quyết định mở các lớp huấn luyện ngắn ngày cho bí
thư chi bộ, chi ủy viên và đảng viên mới.
Bằng những biện pháp xây dựng tích cực, công phu thông qua
thực tiễn chiến đấu để Đảng kết nạp đảng viên, rèn luyện, giáo dục,
sàng lọc cán bộ, qua việc kiện toàn tổ chức, lực lượng vũ trang đã xuất
hiện nhiều chi bộ kiên cường, những “chi bộ thép”, hạt nhân vững
chắc bảo đảm cho từng đơn vị hoàn thành nhiệm vụ ở tiền tuyến cũng
như ở hậu phương.
Căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ cách mạng và điều kiện cụ thể
của lực lượng vũ trang, Đảng đã định ra cơ chế lãnh đạo thích hợp.
Tháng 1 năm 1946, Trung ương Đảng lập ra “Trung ương quân ủy” để
Đảng lãnh đạo công tác quân sự trong quân đội. Sau đó, Đảng chỉ đạo
việc thành lập các quân khu ủy và các cấp ủy ở trung đoàn, tiểu đoàn,
đại đội. Tháng 10 năm 1948, bỏ hệ thống cấp uỷ trong quân đội, lập
chế độ chính ủy đại diện Đảng phụ trách trong quân đội. Trước yêu
cầu của tình hình mới, tháng 5 năm 1952, chế độ cấp ủy được lập lại
trong bộ đội chủ lực.
Chế độ Đảng ủy lãnh đạo toàn diện và thủ trưởng phân công
phụ trách với hệ thống đảng ủy các cấp tổ chức theo chiều dọc từ quân
ủy Trung ương đến tổ chức cơ sở của Đảng đã phát huy tác dụng to
lớn. Đó là việc bảo đảm chấp hành đúng đường lối chính trị, đường lối
quân sự và mọi chủ trương chính sách khác trong lực lượng vũ trang
để vừa phát huy được trí tuệ tập thể vừa đề cao được trách nhiệm cá
nhân của người chỉ huy; kết hợp được các mặt công tác quân sự, chính
trị hậu cần, công tác chung và công tác của từng ngành; kết hợp giữa
lãnh đạo, chỉ huy và quần chúng, bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng
đúng đắn, toàn diện, sát thực tế, phù hợp với tình hình và ngày càng có
hiệu quả.