Mở đầu
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước gắn liền với giữ
nước, dân tộc Việt Nam đã phải tiến hành nhiều cuộc chiến tranh giải
phóng và bảo vệ Tổ quốc chống lại các kẻ thù xâm lược mạnh hơn,
lớn hơn gấp nhiều lần về sức mạnh kinh tế, quân sự. Quá nửa thời gian
trong lịch sử hàng nghìn năm đó, các thế hệ người Việt Nam phải dồn
tâm lực vào các hoạt động quân sự để giành và giữ vững nền tự do,
độc lập, vẹn toàn lãnh thổ. Tiến trình lịch sử đầy gian khó, thử thách,
hy sinh ấy đã hun đúc tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí tự lực, tự
cường và truyền thống đánh giặc của con người Việt Nam, dân tộc
Việt Nam. Xuất hiện do nhu cầu chống ngoại xâm, đặt trong mối quan
hệ giữa chiến tranh và hoà bình, giữa dựng nước và giữ nước, tài thao
lược, tư tưởng và nghệ thuật quân sự Việt Nam không ngừng phát triển
đạt đến đỉnh cao trong 30 năm chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ
quốc (1945-1975).
Là một nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định thành bại trong
kháng chiến, tư tưởng quân sự Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải
phóng và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975) là sự kết hợp nhuần nhuyễn, sự kế
thừa, hấp thụ tinh hoa quân sự của dân tộc và thế giới; là bước phát triển
mới, đạt tới đỉnh cao; vừa hàm chứa tính hiện đại của hoạt động chiến tranh
ở thế kỷ XX, vừa mang nét đặc trưng nghệ thuật quân sự truyền thống của
dân tộc. Tư tưởng quân sự Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng
và bảo vệ Tổ quốc (1945-1975) vừa mang nội dung rộng lớn, có tính toàn
diện và tổng hợp cao, vừa nối kết lĩnh vực quân sự với các lĩnh vực kinh tế,
chính trị, văn hoá, xã hội, đối ngoại... Đó là tư tưởng quân sự về chiến
tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, kết hợp chặt chẽ quân sự với chính trị,
tác chiến với binh vận, kết hợp tiêu diệt địch và phát động quần chúng
giành quyền làm chủ, kết hợp đánh du kích và đánh tập trung, kết hợp đánh