Mở đầu
Trong tiến trình lịch sử hàng ngàn năm, dân tộc Việt Nam đã bao
lần phải chiến đấu với các thế lực ngoại xâm có tiềm lực và sức mạnh kinh
tế, quân sự lớn hơn gấp nhiều lần để giữ vững độc lập, chủ quyền, thống
nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Dựng nước đi đôi với giữ nước trở thành quy
luật tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam. Trên hành trình lịch sử
nhiều gian nan thử thách đó, đã hình thành nên truyền thống quân sự của
con người Viết Nam, văn hóa Việt Nam. Những tư tưởng định hướng cho
nền quân sự Việt Nam quan hệ chặt chẽ với những tư tưởng định hướng
cho sự phát triển của toàn thể dân tộc trong từng thời kỳ. Mục đích của nền
quân sự Việt Nam không phải chiến tranh và chiến công, mà là hòa bình và
phát triển - tư tưởng quân sự Việt Nam, vì thế, phản ánh tính cách của một
dân tộc yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu, nhưng đầy tinh thần tự tôn dân tộc
và lòng yêu nước mãnh liệt. Cũng vì một liên hệ đặc biệt giữa lĩnh vực
quân sự với mọi lĩnh vực khác của quốc gia, trong thời bình cũng như trong
thời chiến, những nhà tư tưởng quân sự Việt Nam đồng thời là những nhà
chính trị kiệt xuất. Lịch sử cổ - trung đại Việt Nam đã sinh ra biết bao nhà
quân sự xuất chúng, với những quan điểm tư tưởng quân sự tiến bộ, như Lê
Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Nguyễn
Huệ... Kế thừa truyền thống thượng võ của dân tộc và tiếp thu những tư
tưởng mới của thời đại, trong thời kỳ cận - hiện đại, tư tưởng quân sự Việt
Nam tiếp tục có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là từ khi có lãnh tụ
Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lịch sử tư tưởng quân sự Việt Nam - Tổng luận khái quát, rút
ra những vấn đề chung nhất, có tính quy luật, xuyên suất tiến trình lịch
sử tư tưởng quân sự Việt Nam, trong đó tập trung trình bày những
quan điểm tư tưởng tiêu biểu, tiến bộ, được biểu hiện chủ yếu trên các
phương diện sau đây: