Do các triệu chứng sớm của bệnh Hansen khá giống với nhiều bệnh khác, cho nên các nạn nhân của bệnh
này có thể bị chẩn đoán sai và nhận lấy các cách điều trị không phù hợp trong một thời gian dài. Những
thứ thuốc được sử dụng thường xuyên nhất để điều trị bệnh phong là dapsone, rifampicin, và
clofazimine; lắm khi ba thứ này được kết hợp trong phác đồ điều trị từ 6 tháng đến 2 năm. Mặc dù đã
xuất hiện các chủng M. leprae kháng một trong ba thứ thuốc trên, nhưng nhà chức trách y tế lập luận
rằng nếu tất cả mọi người bệnh phong đều được điều trị một phần liệu pháp, thì có thể thanh toán được
bệnh này. Ngay cả khi người bệnh chưa hoàn toàn khỏi bệnh hẳn, thì liệu pháp điều trị bằng thuốc cũng
làm cho bệnh nhân không còn mang tính lây nhiễm và cắt đứt dây chuyền truyền bệnh. Nếu không có đủ
nguồn lực dành cho một đợt tấn công ồ ạt vào bệnh phong, thì tần suất bệnh mới trên toàn thế giới chắc
chắn sẽ tăng lên và bệnh Hansen đa kháng sẽ càng trở nên khó điều trị hơn.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng đã hơn 100 năm kể từ ngày phát hiện ra tác nhân gây bệnh phong,
vẫn còn 15 triệu người còn chịu đau khổ vì bệnh này. Con số này thực ra còn cao hơn nhiều vì lý do là
bệnh Hansen còn bị chẩn đoán sai hoặc báo cáo chưa đầy đủ. Nhiều bệnh nhân vẫn còn cho rằng khi bị
chẩn đoán mắc bệnh phong không khác gì mang một lời nguyền rủa. Tuy khoảng 90% tất cả các ca bệnh
tìm thấy tại 10 quốc gia sau: Ấn Độ, Indonesia, Brazil, Cộng hòa Dân chủ Guinea, Madagascar,
Mozambique, Myanmar, Nepal, và Tanzania, nhưng bệnh Hansen vẫn còn là một vấn đề y tế quan trọng
tại nhiều vùng nghèo khó trên thế giới. Lấy ví dụ, tại Somalia, trong những vụ lũ lụt tấn công trên 60
làng mạc và trên một trăm ngàn người vào năm 2000, có hàng trăm bệnh nhân phong nằm trong số
những người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa quê hương. Một số bệnh nhân quá suy kiệt vì bệnh đến mức
phải đặt họ lên xe dùng lừa kéo. Từ những năm 1980, phần lớn những người mắc bệnh phong đều bị
buộc đưa đến hai ngôi làng hẻo lánh để sống biệt lập vĩnh viễn. Dân làng và nhà cầm quyền tại các thị
trấn gần đó đều nhanh chóng bày tỏ sự lo ngại khi có một số nạn nhân bệnh phong đột ngột đến khu vực
của họ.
Bán đảo Kalaupapa, nằm trên đảo Molokai, Hawaii, có thời là vị trí lưu đày của hàng ngàn nạn nhân
bệnh Hansen. Có khoảng 8.000 người đã bị tống tới Kalaupapa kể từ năm 1865 khi vua Kamehameha V
ký một sắc lệnh ngăn ngừa sự lan truyền bệnh phong. Sự lưu đày bắt buộc cũng như tất cả các trường
hợp nhập cư vào Kalaupapa đều chấm dứt vào năm 1969. Vào năm 2003, tại đây chỉ còn lại khoảng 40
bệnh nhân già yếu. Những người sống sót do quá tàn phế hoặc bị bệnh tật làm biến đổi hình hài quá mức
nên không thể rời bỏ một nơi chẳng khác nhà tù là mấy. Chỗ cô lập người hủi trước kia giờ đây trở thành
Công viên lịch sử quốc gia. Một bệnh viện dành cho người hủi nổi tiếng của Mỹ được thành lập tại
Carville, Louisiana, năm 1913. Đối mặt với sự biệt cư khắc nghiệt kéo dài suốt cả đời, các bệnh nhân mô
tả Carville là một nhà tù hoặc “mồ chôn sống” hơn là một bệnh viện. Đến cuối thế kỷ 20, hầu hết các
trường hợp bệnh Hansen tại Mỹ là do người nhập cư vốn đã mắc bệnh từ trước tại các vùng mà bệnh vẫn
còn lưu hành.
Nền chính trị và sự nghèo khó đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc đưa ra một chiến dịch toàn cầu chống
lại bệnh phong, nhưng sự nghiên cứu về bệnh Hansen cũng gặp trở ngại vì vi khuẩn M. leprae mọc rất
chậm và khó nuôi cấy trên các mô hình động vật và môi trường nhân tạo. Việc nghiên cứu hiện nay được
thuận tiện hơn nhờ phát hiện rằng trực khuẩn gây bệnh phát triển được trên con tê tê chín khoang
(armadillo), lòng bàn chân của chuột nhắt và nhiều loài linh trưởng khác trừ con người.
Y HỌC HỒI GIÁO