Mặc dù đáp ứng hữu ích duy nhất của thời Trung cổ đối với bệnh phong là cô lập người bị nhiễm, nhưng các thầy thuốc, lang băm và cả
Kinh Thánh đều đưa ra hy vọng có những liều thuốc chữa thần kỳ. Theo Matthew, chúa Jesus đã chữa lành một người hủi khi chỉ sờ vào
người này và nói “hãy trở nên sạch sẽ”. Ngược lại với việc chữa lành chớp nhoáng này, Naaman, người được tiên tri Elisha chữa, phải tự
mình xuống tắm rửa dưới sông Jordan 7 lần. Bartolomeus Anglicus (fl. 1250)* thừa nhận rằng bệnh phong quả là khó chữa, nếu không có
Chúa giúp đỡ, nhưng ông này cũng đưa ra một bài thuốc làm từ thịt một con rắn đen nấu trong nồi đất có bỏ tiêu, muối, dấm, dầu ăn, nước
và một bó rau thơm đặc biệt (‘‘
bouquet garni
’’).
Do món xúp rắn mãnh liệt này có thể làm cho người bệnh choáng váng và làm cho cơ thể anh ta trương
phồng lên, cho nên cần phải có trà giải độc để chống lại các tác dụng phụ không mong muốn. Dần dà, da
thịt bệnh nhân sẽ bóc ra, tóc rụng đi nhưng các vấn đề trên sẽ lui dần. Một bài thuốc không kém phần
hứa hẹn trong một quyển sách thuốc dân gian thế kỷ 15 là một giạ (khoảng 36 lít) lúa mạch cộng với nửa
giạ thịt cóc nấu trong một cái nồi bằng chì. Hỗn hợp này được nấu riu lửa cho tới khi thịt cóc tróc ra khỏi
xương. Món hầm lúa mạch này được đem ra phơi khô ngoài nắng rồi cho mấy con gà mới nở ăn. Sau đó
đem lũ gà này nướng hoặc nấu chín cho người hủi ăn.
Bị dày vò giữa sợ hãi và hy vọng, những người hủi đầy tuyệt vọng có thể thử ngay cả những bài thuốc
ghê sợ nhất, như ăn mật người hoặc tắm trong máu. Do nhiều tổn thương ở da có tính thoáng qua dễ
dàng gây nhầm với bệnh Hansen, cho nên sau các lời cầu khấn các vị thánh, tắm, các món thuốc nước kỳ
dị, và những thực đơn lạ lùng đôi khi làm bệnh nhân khỏi bệnh một cách thần kỳ theo kiểu “cái này xảy
ra sau cái kia cho nên cái kia là nguyên nhân của cái này” (post hoc ergo propter hoc). Sự ngụy biện nổi
tiếng này, trong đó nguyên nhân lẫn lộn với hậu quả lắm khi lại giúp bảo đảm danh tiếng cho những bài
thuốc vô bổ và các thầy lang.
Có lẽ, khía cạnh đáng ngạc nhiên nhất của bệnh phong thời Trung cổ là sự biến mất hầu như toàn bộ
bệnh này khỏi châu Âu vào thế kỷ thứ 14.
* fl. (floruit): đạt đến ảnh hưởng hay phát triển cao nhất.
Rõ ràng là sự thay đổi này không phải là kết quả của bất cứ phát kiến nào trong y học. Ngay cả các biện
pháp hà khắc đưa ra để cô lập người hủi cũng không chắc có tác dụng chặt đứt chuỗi truyền bệnh bởi lẽ
bệnh này có thời gian tiềm phục (latent period) lâu dài trong đó người mẫn cảm có thể nhiễm bệnh khi bị
phơi nhiễm. Những thay đổi về kiểu thức thương mại, chiến tranh và hành hương có lẽ cắt đứt chuỗi lây
truyền theo đó bệnh phong du nhập vào châu Âu từ các khu vực nơi mà bệnh phong đã có, và vẫn còn là
bệnh lưu hành.
Nếu bệnh phong hầu như biến mất khỏi châu Âu với chỉ những tiến bộ tối thiểu về y học hoặc y tế công
cộng, thì liệu ngày nay ta có thể thanh toán hoàn toàn với các nỗ lực có chủ ý hay không? Có nhiều lý do
vững để cho rằng bệnh Hansen có khả năng trở thành ứng viên của một chiến dịch thanh toán toàn cầu.
Khác với dịch hạch thể hạch, bệnh phong dường như không có ổ chứa ở động vật trong tự nhiên. Vì vậy,
bẻ gãy chuỗi truyền bệnh từ người sang người cuối cùng có thể thanh toán được bệnh này. Bệnh phong là
một trong 6 bệnh truyền nhiễm mà Tổ chức Y tế thế giới chọn làm đối tượng cho một chiến dịch y tế
toàn cầu được phát động năm 1975. Tuy nhiên, bệnh sốt rét, bệnh sán máng, bệnh giun chỉ, bệnh do
muỗi cát truyền (leishmaniasis), bệnh ngủ châu Phi và bệnh phong không phải là mối đe dọa lớn cho các
quốc gia hoặc cá nhân giàu có. Vì thế, những bệnh này không nhận được sự chú ý dành cho những bệnh
như đậu mùa, sốt bại liệt, bệnh sởi và những bệnh truyền nhiễm khác có thể dự phòng được.