René Théophile Hyacinthe Laënnec (1781-1826) phát minh ra ống nghe, và sau này là cả một loạt các
dụng cụ khám chữa bệnh.
NỀN TRIẾT HỌC KHAI SÁNG VÀ CẢI CÁCH Y HỌC
Mặc dù các hệ thống tinh vi đã lôi cuốn nhiều thầy thuốc của thế kỷ 18, nhưng thời kỳ này cũng sản sinh
nhiều nhà cải cách có đầu óc thực dụng cho rằng người ta không thể nào dùng các suy đoán bác học để
chữa bệnh cho thủy thủ và binh sĩ hoặc nông dân và công nhân. Các nhà cải cách y học và xã hội, lấy
cảm hứng từ niềm tin Khai sáng cho rằng có thể nâng cao điều kiện sống của con người khi áp dụng lý lẽ
thông thường vào các vấn đề xã hội, quay sang chú ý y tế công cộng và y học dự phòng. Vào thế kỷ 18,
trong một chừng mực chưa bao giờ có, thì tàu thủy, trại lính, nhà máy, nhà tù, bệnh viện và trường nội trú
là những thế giới đóng kín trong đó chen chúc những con người không họ hàng quen biết nhau, cùng
nhau chia sẻ các điều kiện thiếu vệ sinh, các chế độ ăn không tốt cho sức khỏe, không khí ô nhiễm và các
bệnh lây truyền.
Các nhà cải cách và từ thiện cho rằng các khảo sát khoa học về các điều kiện đáng kinh tởm của đô thị,
tàu thủy, quân đội, nhà tù, nhà thương điên và bệnh viện có thể cải tiến tình hình sức khỏe và sự thịnh
vượng của xã hội nói chung. Đôi khi trận chiến này được những người làm nghề y trong một môi trường
cụ thể đứng ra lãnh đạo như John Pringle, phẫu thuật viên trưởng của quân đội Anh, hoặc James Lind,
Charles Blanc và Thomas Trotter, những người tiên phong ngành y học và vệ sinh hải quân. Mạnh
thường quân người Anh, John Howard kêu gọi cải cách các nhà tù, còn Philippe Pinel, thầy thuốc người
Pháp thì thử cải cách các điều kiện kinh hoàng trong các nhà thương điên.
Các mục đích và lý tưởng, cũng như các phương pháp đôi khi độc đoán tiêu biểu cho lĩnh vực đang phát
triển của ngành y học công cộng, đã được phản ánh trong công trình của Johann Peter Frank (1745-
1821), là người tiên phong của ngành y học xã hội hiện nay. Triết lý của ông được tóm gọn trong bài diễn
thuyết năm 1790, “Sự bần cùng của người dân là bà mẹ của mọi thứ bệnh tật”, và được diễn giải chi tiết
trong bộ sách 6 quyển của ông “Sys tem of Complete Medical Police” (1777-1817). Công trình đồ sộ này
là được phổ biến rộng rãi và diễn giải những mối liên hệ giữa sức khỏe và bệnh tật. Đan kết với các lý
tưởng cao quý nhất của tư tưởng Khai sáng, của thể chế chuyên chế khai ngộ, và các mục đích y tế công
cộng thực tiễn, Frank đã dành hết đời mình để thuyết giảng cho các vua chúa châu Âu rằng dân chúng là
tài sản lớn nhất của quốc gia và nhiệm vụ của quốc gia là phải làm sao cho các thần dân “càng ngày càng
đông đúc, khỏe mạnh và sung túc”. Nguồn lực con người có thể duy trì tốt nhất thông qua “các biện pháp
vệ sinh hợp lý” khi kết hợp quyền lực quốc gia với kiến thức của thầy thuốc. Vì sự an lạc của người dân,
thầy thuốc phải có trách nhiệm đối với hai ngành y tế nhà nước: pháp y và cảnh sát y tế có nhiệm vụ thực
thi các mệnh lệnh của nhà nước.
Ngay khi còn là sinh viên, Frank luôn cảm thấy mình bị thôi thúc bởi một điều gì từ sâu thẳm bên trong.
Ông ta đã theo học nhiều trường đại học ở Pháp và Đức trước khi lấy bằng bác sĩ của đại học Heidelberg
năm 1766. Khi Frank trở thành thầy thuốc riêng cho Giám mục Vương quyền tại Speyer, ông ta bắt đầu
kiểm tra các ý tưởng của mình về một nền y học xã hội mới khi nghiên cứu điều kiện sống của nông nô
và xác định bằng cách nào mà chính quyền có thể tác động đến sức khỏe của các thần dân. Với những
việc khác, Frank thành lập một trường đào tạo nữ hộ sinh, các bệnh viện để phục vụ người nghèo và một
trường đào tạo phẫu thuật viên.