thế kỷ 18, nền y học của Pháp đã bị hai chất xúc tác cực kỳ mạnh làm thay đổi: cách mạng và chiến
tranh. Không thèm biết đến triết lý y học, người bên quân đội cho rằng có thể cứu được nhiều mạng sống
bằng cách đem treo cổ ngay tay bác sĩ nào tay phải thì trích máu thương binh và tay trái thì làm thụt tháo
cho họ. Nhằm đẩy mạnh ý thức hệ về bình đẳng, các nhà lãnh đạo cách mạng tố cáo rằng y học hàn lâm
là hiện thân của mọi thứ xấu xa nhất của Chế độ cũ, từ tính bè phái và độc quyền cho đến sự chểnh mảng
và dốt nát. Điều khá khôi hài là, phong trào cách mạng lúc đầu có ý định dẹp đi các loại bác sĩ, bệnh viện
và các cơ sở y tế lại cho ra đời một chính sách y tế mới, các bác sĩ được đào tạo chu đáo hơn, các trường
y mới, và các bệnh viện cung cấp những cơ hội chưa hề có để làm thí nghiệm lâm sàng, giải phẫu tử thi
và nghiên cứu thống kê. Cải cách bệnh viện là đặc biệt khó, tốn kém nhiều và lắm đau đớn, nhưng thời
đại cách mạng đã xây dựng các bệnh viện thành nơi đầu tiên cung cấp các dịch vụ điều trị, đào tạo và
nghiên cứu hiện đại.
DINH DƯỠNG, SUY DINH DƯỠ NG, SỨC KHỎE VÀ BỆNH TẬT
Mặc dù dinh dưỡng thường được coi như là một ngành khoa học của thế kỷ 20, niềm tin cho rằng sức
khỏe và sống lâu phụ thuộc vào sự điều hòa thức ăn và chất uống là một trong những nguyên tắc phổ
quát và cổ xưa nhất của lý thuyết y học. Thực phẩm thường được xếp loại theo các tính chất đối nghịch
nhau như nóng hoặc lạnh, khô hoặc ẩm, từ đó xác định là một thứ thực phẩm có tính chất tăng lực, làm
suy yếu, gây xổ hoặc táo bón. Những quan niệm này không thay đổi mấy đến tận thế kỷ 18 khi các lý
thuyết mới về hóa học khiến người ta quan tâm về tính acid hoặc kiềm của thực phẩm. Đến cuối thế kỷ
19, những tính chất khác biệt về hóa học này lại nhường chỗ cho một quan niệm sinh lý học mới về vai
trò của thực phẩm trong cơ cấu động vật. Từ lúc này, các nhà khoa học dinh dưỡng lại than phiền rằng sự
phát triển trong lĩnh vực của họ đã bị ngăn trở, không phải do sự xao nhãng, nhưng là do có quá nhiều
thông tin sai lạc, phát xuất từ sự đòi hỏi kỳ cục của quần chúng, ít nhất cũng là một phần nào đó. Những
người phê bình kỹ nghệ thực phẩm hiện đại cho rằng thực phẩm là một chủ đề chính trị, nhất là đối với
các xã hội nơi mà sự thiếu hụt thực phẩm được thay thế bằng sự thừa mứa và hỗn loạn trong các hướng
dẫn chế độ ăn uống hợp lý.
Khoa học dinh dưỡng hiện đại ra đời từ các cố gắng muốn hiểu rõ và phân lập các yếu tố tiết thực làm
tăng thêm sức khỏe và ngăn ngừa được bệnh tật. Tìm ra được các nguyên nhân gây bệnh thiếu vitamin
cũng phức tạp không kém việc xác định nguyên nhân các bệnh truyền nhiễm. Thật vậy, cả hai loại bệnh
thường xảy ra dưới dạng các bệnh dịch. Mặc dù nắm được nhiều bằng chứng kinh nghiệm về mối liên hệ
giữa chế độ ăn và bệnh tật, các nhà khoa học không thể chứng minh ngay được sự hiện diện của các vi
chất dinh dưỡng nếu không nhờ sự tiến bộ vượt bậc trong hóa học. Tuy nhiên, bác sĩ hải quân James
Lind (1716-1794) và các nhà tiên phong khác về khoa học dinh dưỡng đã chứng minh rằng có thể ngăn
ngừa được một số bệnh bằng một số thay đổi cụ thể trong chế độ ăn. Mặc dù có nhiều bệnh do thiếu
vitamin, nhưng bệnh thiếu vitamin C (scurvy) được chú ý đặc biệt vì những nền tảng thực nghiệm giúp
chúng ta hiểu biết về bệnh này là một phần của di sản vững chắc có được từ thế kỷ 18.
Bệnh thiếu vitamin C có lẽ là một trong những bệnh dịch cổ xưa và phổ biến nhất, làm cho nạn nhân đau
khổ vì viêm thối lợi và răng, đau sâu trong cơ, da sạm đen và lúc nào cũng mệt mỏi. Khi thấy toàn bộ
nhiều gia đình, tu viện, hoặc đội quân bị mắc bệnh này, các tác giả cổ đại lắm khi kết luận rằng bệnh có
tính lây, bẩm sinh, di truyền, lây từ các điều dưỡng mắc bệnh, hoặc phát sinh từ sự kết hợp độc hại giữa