Nếu như hay quên làm cho bạn khó chịu thì nhớ lẫn lộn sẽ khiến bạn khó chịu gấp nhiều lần
và gặp nhiều tai bay vạ gió. Nếu gặp các câu hỏi liên quan đến kiến thức đã quên béng mất,
ta thường có xu hướng bỏ qua chúng hoặc vớt vát bằng cách “thà viết nhầm còn hơn bỏ
sót”. Bạn chắc mẩm mình không bỏ sót câu nào và hoàn thành bài thi nhưng thực tế bài thi
của bạn chẳng khác nào kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Khi biết mình sai, bạn sẽ có cảm
giác nuối tiếc, dằn vặt thậm chí thất vọng, trách cứ bản thân, bạn ước gì mình nhớ chính xác
kiến thức lúc làm bài. Tâm lý này khiến tâm trí bạn rối loạn và không thể tập trung vào bất
cứ việc gì khác. Không chỉ vậy, nó khiến bạn luôn bất an khi làm việc gì đó: “Liệu mình có
nhớ nhầm gì hay không?” và thường không tin tưởng vào bản thân và những việc mình làm.
Cũng có nhiều người không nhận thức được mình sai nên nghĩ rằng: thầy cô thiên vị hoặc
có nhầm lẫn gì đó. Chính điều này khiến bạn cảm thấy chán nản, có tâm lý không muốn học
hành, suy nghĩ tiêu cực và kết quả càng ngày càng kém đi.
Việc nhớ lẫn lộn có thể hiếm gặp ở người này nhưng lại thường xuyên tái diễn với người
khác. Nhưng dù ít hay nhiều, nó vẫn là một vấn đề về trí nhớ đáng quan tâm. Nó được coi là
sự kết hợp giữa thói hay quên và sự thiếu tập trung.
Việc chúng ta thường nhớ nhớ quên quên không phải vì trí nhớ chúng ta kém mà vì thiếu kỹ
năng quan sát hoặc sự việc hiện tượng đó không đáng quan tâm. Cũng như việc bạn học đâu
quên đấy có thể là do bạn chưa thực sự tập trung vào bài học hay thiếu phương pháp học
tập. Một phương pháp học tập đúng sẽ giúp bạn đạt được kết quả cao và nâng cao trí nhớ.
Trong những phần sau tôi sẽ bật mí cho bạn một số bí kíp ghi nhớ hữu hiệu.
14