Giới thiệu
Trước nay, bạn vẫn tự nhủ mình không thông minh bằng nhiều người, nên bạn ráng sức
chuyên cần để đạt được thành tích tốt. Và quả thật bạn đã thành công. Điều gì giúp bạn đạt
được điều đó? Nhiều người quanh bạn và ngay cả chính bạn sẽ tự mặc định rằng, bạn không
xuất sắc gì mà chỉ là “cần cù bù thông minh” thôi. Nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng
chìm. Cái giúp bạn thành công là sự thuần thục. Bạn đã gắng công làm điều gì đó nhiều lần.
Giải một bài toán khó. Ngẫm nghĩ một đoạn văn hay. Suy tư một vấn đề hóc búa, v.v…
Những hành động lặp đi lặp lại, kiên trì, bền bỉ, khiến bạn thành người điêu luyện. Và trí
nhớ đã chắp đôi cánh để tất cả những gì bạn rèn giũa đạt đến thành công. Nhờ trí nhớ,
những gì bạn học tập, tìm tòi khám phá được lưu giữ trong tâm trí bạn, để rồi tái hiện một
cách nguyên vẹn mọi lúc mọi nơi. Đâu chỉ có bạn mà tất cả mọi người xung quanh, từ một
em bé sơ sinh mới chào đời đến những bậc cao niên đều cần đến nó.
Một em bé vừa ra đời dù chưa biết nói nhưng vẫn biết “lạ” nếu đó không phải là cha mẹ hay
người quen của mình. Một học sinh vận dụng tất cả những gì mình đã học, đã tìm tòi để
hoàn thành tốt bài thi. Một người con xa xứ nhiều năm bồi hồi xúc động khi nhận ra hình
ảnh thân thuộc của quê hương qua cửa sổ máy bay. Tại sao họ làm được điều đó? Chỉ có thể
nhờ trí nhớ mà thôi! Bạn đã từng làm gì mà không cần đến trí nhớ chưa? Mỗi buổi sáng,
chúng ta thường lặp lại nhiều việc giống hệt nhau. Đó chính là một biểu hiện của trí nhớ
dưới dạng thói quen. Rồi sau đó, bạn có thể rời khỏi nhà đi gặp một ai đó. Bạn có để ý làm
thế nào bạn đến được địa điểm mình cần đến, nhận biết người mình cần gặp, phát hiện món
ăn bạn thường nấu hay món đồ bạn thường dùng? Đó chẳng phải đều là biểu hiện của trí
nhớ hay sao? Điều này khẳng định rằng: ở nơi nào đó trong não của mỗi chúng ta có một
kho chứa khổng lồ gồm những hình ảnh, sự việc, hiện tượng được liên kết bất biến theo
thời gian và có thể được nhớ lại nếu như chúng ta biết kích hoạt nó đúng cách.
Hãy thử tưởng tượng xem, một buổi sáng nào đó, bạn thức dậy và bỗng hoảng hốt giật mình
khi không nhớ được điều gì hết, giống như cô nàng Lucy trong bộ phim tình cảm lãng mạn
của điện ảnh Mỹ 50 First Dates (tạm dịch: 50 lần hẹn hò đầu tiên). Nhưng thật tồi tệ khi
chẳng có anh chàng Henry nào ở bên cạnh giúp đỡ bạn. Bạn không biết mình đang ở đâu,
không nhận ra bất cứ ai, không biết mình đã ăn cơm chưa, thậm chí bạn cũng không biết là
mình vừa ngủ dậy hay chuẩn bị đi ngủ... Mọi sinh hoạt của bạn bị rối loạn. Tất cả mọi thứ
xung quanh đều lạ lẫm, và thậm chí bạn còn không hiểu người khác đang nói gì. Tất cả đều
phải làm lại từ đầu nhưng bạn lại không biết bắt đầu từ đâu. Mới chỉ tưởng tượng đến đấy
thôi chắc bạn đã cảm thấy ớn lạnh. Nếu có một ngày như thế, quả thật là một thảm họa!
Tất nhiên đây chỉ là giả thiết, nhưng cũng đủ cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của trí
nhớ trong đời sống và hoạt động của con người. Nếu không có trí nhớ thì không có kinh
nghiệm, không có kinh nghiệm thì không thể có bất cứ một hoạt động nào, đặc biệt là quá
trình phát triển tâm lý, tính cách con người.
Tuy nhiên, trí nhớ của mỗi người không giống nhau. Có người nhớ tốt vấn đề này, có người
lại nhớ tốt vấn đề kia, nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn rằng người nào có trí nhớ tốt hơn,
người đó sẽ làm được nhiều việc hơn và nhiều khả năng thành công hơn. Bạn sẽ thấy rõ
điều này trong chính lớp học của mình. Từ những môn xã hội như Văn, Sử, Địa cho đến
những môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, tất cả đều dành sự ưu ái cho người có trí nhớ tốt
4