Phần tham khảo này (sách đã dẫn, trang 129-134) bao hàm quan điểm của giáo sư Pigou về mức tăng lưu lượng vốn thực tế khả dụng của các nghiệp
chủ do việc các ngân hàng tạo ra tín dụng mới. Thực ra, ông ta muốn lấy “tín dụng thả nổi được trao cho các nhà kinh doanh thông qua việc tạo ra tín
dụng” trừ đi “phần vốn thả nổi mà lẽ ra đã được góp bằng các cách khác nếu như không có ngân hàng”. Sau khi thực hiện các phép trừ, lập luận của ông
trở nên khó hiểu. Giả sử lúc đầu những người thực lợi có thu nhập là 1500, trong số đó họ tiêu dùng 500 và tiết kiệm 1000; việc tạo ra tín dụng làm giảm
thu nhập của họ xuống còn 1300, trong số đó họ tiêu dùng 500-x và tiết kiệm 800+x; và x, giáo sư Pigou kết luận, là lượng tăng tịnh của vốn có được là
do việc tạo ra tín dụng. Phải chăng thu nhập của các nghiệp chủ được giả định là tăng thêm một lượng mà họ vay của các ngân hàng (sau khi trừ khoản
nói ở trên)? Hay là thu nhập của họ tăng thêm một lượng bằng khoản thu nhập bị giảm, tức là 200? Có phải, theo giả thiết, các nhà doanh nghiệp tiết
kiệm toàn bộ khoản thu nhập thêm không? Có phải lượng đầu tư tăng lên là bằng số tín dụng được tạo ra trừ đi các khoản giảm bớt không? Hay là lượng
đó bằng x? Lập luận này hình như dừng lại đúng tại chỗ mà đáng ra nó nên bắt đầu từ đó.