Alfred Marshall, tác giả của cuốn Những nguyên lý kinh tế học mà tất cả các nhà kinh tế học Anh đương thời
đã được học tập, đã phải cố gắng đặc biệt để nhấn mạnh tính kế thừa trong tư duy của ông với tư duy của Ricardo.
Tác phẩm của ông phần lớn bao gồm việc liên kết chặt chẽ nguyên lý biên và nguyên lý thay thế với cách suy nghĩ
của Ricardo, lý thuyết của ông về sản lượng và tiêu dùng như một tổng thể khác với lý thuyết của ông về sản xuất
và phân phối một sản lượng đã xác định, chưa bao giờ được trình bày một cách riêng biệt cả. Tôi không dám chắc
liệu bản thân ông ta có cảm thấy cần phải có một lý thuyết như vậy không. Nhưng những người tiếp tục sự nghiệp
và những người theo tư tưởng triết học của ông chắc chắn đã không cần đến lý thuyết đó và cũng chẳng cảm thấy
thiếu nó. Chính tôi đã được giáo dục trong bầu không khí đó. Tôi tự nghiên cứu những học thuyết này và chỉ trong
vòng một thập kỷ qua tôi đã nhận thấy những học thuyết đó là chưa đủ. Qua sự suy nghĩ của chính bản thân, tôi
thấy cuốn sách này là phản tác dụng, nó dẫn dắt học viên xa rời truyền thống cổ điển (hoặc chính thống) của Anh.
Sự nhấn mạnh của tôi tới vấn đề này trong những trang sách sau đây và tới những điểm bất đồng của tôi đối với
học thuyết tiếp thu được đã bị một vài nhóm học giả ở Anh coi như là một sự tranh cãi quá đáng, không đúng lúc.
Nhưng làm sao mà một tín đồ Thiên chúa giáo trong kinh tế học Anh, thực ra là một giáo sĩ của đạo này, lại có thể
tránh né một cuộc tranh luận khi ông này lần đầu tiên trở thành tín đồ đạo Tin lành?
Nhưng tôi nghĩ rằng tất cả những điều trên đây có thể gây ấn tượng có một phần nào khác nhau đối với các
độc giả Đức. Học thuyết chính thống khi còn thống trị vào thế kỷ 19 ở Anh, chưa bao giờ nắm chắc được tư duy
của người Đức. Ở nước Đức có những trường phái kinh tế học khá quan trọng. Họ đã tranh luận sôi nổi về tính
thích đáng của lý thuyết cổ điển để phân tích các hiện tượng đương thời. Trường phái Manchester và chủ nghĩa
Marx cả hai suy cho cùng đều bắt nguồn từ Ricardo, một kết luận chỉ làm cho mọi người ngạc nhiên về bề ngoài
mà thôi. Nhưng ở Đức đã từ lâu phần lớn dư luận không tin vào bên này mà cũng chẳng ủng hộ bên kia.
Tuy thế, cũng khó mà khẳng định rằng trường phái tư tưởng này đã xây dựng cho mình một lý thuyết đối lập,
hoặc đã tìm cách làm việc đó. Họ tỏ ra hoài nghi, hiện thực, thoả mãn với những phương pháp và kết quả mang
tính chất lịch sử và kinh nghiệm chủ nghĩa, do đó họ từ bỏ mọi sự phân tích hình thức. Một cuộc tranh luận phi
chính thống quan trọng nhất về đường lối lý luận là cuộc tranh luận của Wicksell. Các sách của ông thịnh hành ở
Đức (vì không có bản dịch tiếng Anh cho mãi đến gần đây); thực ra cuốn quan trọng nhất trong số sách đó lại viết
bằng tiếng Đức. Những người theo học thuyết của ông ta phần lớn là người Thuỵ Điển và người Áo. Những người
Áo theo học thuyết của ông kết hợp những tư tưởng của ông với lý thuyết đặc thù của Áo để trên thực tế đưa
những tư tưởng này trở về với học thuyết kinh điển. Như vậy nước Đức, hoàn toàn trái ngược với thói quen của nó
trong hầu hết các ngành khoa học, đã bằng lòng trong cả một thế kỷ không có bất kỳ một lý thuyết chính thức nào
về kinh tế học mà lúc đó đang thịnh hành và được mọi người công nhận.
Do đó, tôi có thể hy vọng có ít sự chống đối từ những độc giả Đức hơn là từ phía các độc giả Anh, khi đưa ra
một lý thuyết về việc làm và sản lượng như một tổng thể. Về nhiều mặt quan trọng lý thuyết này khác với lý
thuyết chính thống. Nhưng liệu tôi có thể hy vọng khắc phục được đối lập về kinh tế của Đức không? Liệu tôi có
thể thuyết phục các nhà kinh tế học Đức rằng các phương pháp phân tích chính quy có một tầm quan trọng nào đó
góp phần giải thích các sự kiện đương thời và hình thành một chính sách hiện nay không? Nói cho cùng, chính là
người Đức muốn có một lý thuyết. Các nhà kinh tế Đức đã và đang khao khát muốn có một lý thuyết sau khi đã
sống không có nó từ bao lâu nay! Nhất định tôi cần phải thử một chuyến xem sao vì đó là cần thiết và rất đáng
làm. Tôi sẽ rất hài lòng nếu như tôi có thể đóng góp dù chỉ một vài phần nhỏ bé cho các nhà kinh tế học Đức
chuẩn bị nên một lý thuyết hoàn hảo đáp ứng những điều kiện đặc thù của nước Đức. Vì tôi cũng phải thú thực
rằng phần lớn cuốn sách này được minh hoạ và giải thích chủ yếu liên quan đến các điều kiện ở các nước Anglo-
Saxon.
Tuy nhiên, lý thuyết về sản lượng nói chung mà cuốn sách này sẽ bàn đến, sẽ dễ dàng thích nghi hơn với các
điều kiện của một nhà nước độc quyền hơn là một lý thuyết về sản xuất và phân phối một sản lượng xác định trong
điều kiện tự do cạnh tranh và trong chừng mực mở rộng việc tự do kinh doanh cho tư nhân. Lý thuyết về các quy
luật tâm lý có liên quan đến tiêu dùng và tiết kiệm, ảnh hưởng của chi phí tín dụng đối với giá cả và tiền lương
thực tế, vai trò của lãi suất - tất cả những mặt này là những cấu phần cần thiết trong nếp suy nghĩ của chúng tôi.