“Các bạn hãy dũng cảm lên. Tôi đã chứng kiến nhiều sự suy
thoái trong kinh doanh. Nước Mỹ luôn đứng dậy sau khủng hoảng
và ngày càng giàu mạnh hơn.Hãy kiên cường như cha ông bạn ngày
trước.Hãy vững tin và tiến lên!”
Thomas A. Edison
Khi tôi viết những trang cuối của quyển sách này, thế giới đang
trên bờ vực suy thoái kinh tế. Nhiều người cho rằng đây có thể là
giai đoạn suy thoái nặng nề nhất từ sau cuộc Đại khủng hoảng vào
những năm 1930. Theo giới truyền thông và các nhà dự báo kinh
tế, chúng ta đang bước vào thời điểm vô cùng khó khăn; ngân hàng
thế giới phá sản, doanh nghiệp đóng cửa, người dân mất việc và
mất kế sinh nhai, nhiều người còn mất cả nhà cửa. Tất cả những
điều này đưa đến một câu hỏi: mặt phải ở nơi đâu?
Tôi hy vọng các chương trước đã nói rõ rằng: sự thay đổi sẽ mang
tới cơ hội, và suy thoái kinh tế cũng không ngoại lệ. Bí quyết để tìm
ra mặt phải trong thời điểm kinh tế đi xuống là chuẩn bị cho mình
tư duy của một doanh nhân và chủ động có ý thức tìm kiếm cơ hội.
Một số doanh nghiệp lại đặc biệt phát đạt trong thời kỳ suy thoái
kinh tế. Ví dụ như, những giai đoạn kinh tế khó khăn có vẻ như là
ngày hội của các luật sư về thủ tục thanh lý cùng các viên chức pháp
luật; những khi thị trường mua bán bất động sản tuột dốc thì thị
trường thuê mướn mặt bằng lại tăng nhanh. Các doanh nghiệp tập
trung vào nhu cầu thay đổi của khách hàng cũng hoạt động rất tốt.
Các cửa hàng giảm giá như Lidl, Aldi và chuỗi cửa hàng đồng giá
One Pound (Một Bảng) tăng trưởng mạnh trong thời kỳ suy thoái khi
người tiêu dùng săn lùng những sản phẩm giá rẻ nhất, có giá trị
nhất. Theo các bản tin, tại thời điểm cửa hàng M&S (một cửa hàng
chuyên kinh doanh hàng hóa cao cấp) giảm 44% lợi nhuận thì cửa
hàng Lidl lại tăng 22% và Aldi tăng 10% lợi nhuận.