Trong lúc đó, Tư Mã Khôi vẫn để ý quan sát bệ đá, anh phát
hiện, bên cạnh bệ đá có một vật thể cấu tạo hình cây bằng đồng,
trông có vẻ loang lổ, cũ kỹ. Trên mỗi cành lại cắm một vật trông to
như cái chum lớn, trên thân chum đúc lỗ mẫu tử, trang trí họa tiết
rồng phượng. Tư Mã Khôi từng nhìn thấy vật này trong bích họa,
anh biết đây chính là đèn đồng chuyên dùng soi sáng dưới lòng đất,
thời cổ gọi là “đèn chiếu u”. Tư Mã Khôi lập tức đứng dậy, rút nắp
đồng trên lỗ mẫu tử, gí đuốc vào thử xem đèn còn phát sáng được
nữa hay không.
Nghe nói, thời Xuân Thu Chiến Quốc có một loại nhiên liệu
thắp sáng quanh năm không tắt, gọi là “long tùy”, loại dầu này
được đổ vào đèn đồng chiếu u, loại đèn chuyên dùng cho các
vương hầu xây dựng lăng tẩm dưới lòng đất, nó còn hiếm hơn cả
nước mắt người cá rơi xuống đất kết thành ngọc, có điều nguồn
gốc và thành phần thực sự thì từ lâu đã không còn ai biết nữa. Có
lẽ, trong chiếc đèn đồng hình cây chứa loại dầu long tủy này. Lúc
này, sau khi được mồi lửa, nó lập tức bốc cháy phừng phừng, ánh
sáng rực rỡ khác thường, soi rõ phạm vi hơn mấy chục bước.
Khung cảnh trước mắt bỗng dưng vụt sáng, cả hội thấy mấy trụ
đá ngay bên cạnh đúng là bàn tay xòe ra và hướng lên cao của con
thú đá nào đó, ngọn đèn đồng hình cây, cao chừng sáu bảy mét,
cũng chỉ là vật nằm trong tay nó. Thật khó tưởng tượng nổi thân
mình con thú khổng lồ này to đến mức nào.
Tư Mã Khôi đứng cạnh cây đèn đồng, anh thò tay ra sờ vách đá
lạnh lẽo, rồi chăm chú quan sát và phát hiện: đó chính là chiếc hộp
đá chữ nhật khắc đầy những hình thù ma quái, nó như quả núi đè
nặng trên thân con thú đá ôm cây đèn đồng. Quy mô của chiếc hộp
to lớn dị thường. Đằng sau vẻ trầm mặc bí ẩn đủ khiến người ta
kinh hồn bạt vía kia, dường như còn chứa đựng một câu hỏi lớn.