gặp được họ, coi như đội khảo cổ đã lượm được cái mạng từ tay
thần chết.
Tư Mã Khôi không dám nói rằng ba người họ là đội khảo cổ
vừa mới rời khỏi kính viễn vọng Lopnor, mà chỉ nói là phân đội
trắc họa, được cử đến sa mạc để chấp hành nhiệm vụ thám trắc.
Thẻ công tác mà Thắng Hương Lân mang theo trên người, tạm thời
giúp cả hội chứng minh được mình đúng là nhân viên đội trắc họa.
Họ nói dối rằng, sau khi máy điện đàm bị hỏng, cả đội lại gặp bão
cát nên lạc đường, mọi người đã đi bộ trong sa mạc suốt mười mấy
ngày trời.
Đoàn văn công Ô Lan Mục Kì thấy Tư Mã Khôi có vẻ nói thật
lòng, lại trông thấy một thành viên bị thương cần cấp cứu gấp, nên
mọi người không ai hoài nghi gì cả, lập tức dắt ngựa đến rồi dẫn ba
người vào nông trường cỏ gần đó, nhờ dân du mục bản địa chăm
sóc.
Trong vòng mấy chục dặm vuông quanh đây, chỉ có hai túp lều
của người Mông cổ. Người dân Mông cổ từ xưa đã nổi tiếng thuần
hậu, biết hội Tư Mã Khôi là phân đội trắc họa gặp nạn, họ liền
nhiệt tình giúp đỡ.
Tư Mã Khôi thấy tình hình sức khỏe của Thắng Hương Lân dần
diễn biến theo chiều hướng ổn định, anh liền mượn dân du mục bộ
trang phục chỉnh tề, thay quần áo xong liền vào huyện thành cách
đó chừng trăm dặm, đánh một bức điện báo cho lão Lưu Hoại Thủy
ở tận Bắc Kinh, bảo lão mau chóng đến Tân Cương tiếp ứng, đồng
thời dặn dò lão tuyệt đối không được huênh hoang chuyện này với
bất kì ai, sau này hội anh nhất định không quên ơn lão.
Bố của Thắng Hương Lân, là giáo sư Thắng Thiên Viễn, từng là
ân nhân cứu mạng của lão Lưu Hoại Thủy, nên sau khi nhận được
tin, lão vội vã thu xếp chạy đến tiếp ứng, rồi chuẩn bị đưa cả hội
đến gần địa phận Cam Túc, đáp chuyến xe lửa đường dài trở về
Bắc Kinh.