người nghe thì há hốc mồm lên hóng, có điều cứ nói xong nghe xong rồi
thôi, chứ chẳng ai tin là thật.
Nhưng Nhị Học Sinh nghe được chuyện này thì lại ghi nhớ trong lòng,
không thể nào quên được. Biết được mộ của lão thổ tặc ở bên bờ sông, nơi
đó thường vắng người lai vãng, vì muốn cứu lấy mạng sống, Nhị Học Sinh
bèn xin nghỉ một ngày, vác quốc xẻng và súng săn đi đào trộm mộ, ngôi mộ
hoang còn không có cả tấm bia dựng lên, tìm mãi mới thấy. May cho Nhị
Học Sinh là mộ đào khá nông, ngay cả quan tài cũng chẳng có, người chết
được bó trong manh chiếu cói, vùi xuống lòng đất, dẫu mộ vùi đơn giản
như vậy nhưng cũng đủ hành hạ Nhị Học Sinh suốt một ngày trời, mãi tới
khi trời tối hẳn, hắn mới moi được hài cốt trong mộ ra.
Đêm sâu âm u, mây đen dày đặc, vắng ánh trăng sao, những dãy núi sừng
sững vây quanh tứ phía giờ trở nên đen sì sì, chẳng nhìn rõ hình khối của nó
nữa, Nhị Hoc Sinh nghe tiếng chim hoang bay lượn trên đầu và kêu xáo
xác, hắn vã mồ hôi lạnh, toàn thân run lập cập, nhưng có câu “chẳng gì
đáng sợ hơn cái chết”, xuất phát từ bản năng sinh tồn, hắn cố quên đi những
lời đồn đại về cô hồn dạ quỷ, hồ ly tinh hay thi biến, hắn quỳ xuống đất dập
đầu mấy cái, vái trước thi hài trong mộ, miệng lẩm bẩm dăm câu cho thêm
vững dạ: “Xin lão sư phụ chớ trách tội quấy rầy giấc ngủ, âm gian lấy bảo,
dương gian lấy nghĩa”, sau đó lẩy bẩy bò ra đất sờ khắp người thi thể một
lượt, cuối cùng chỉ tìm thấy một thứ đen thùi lùi hao hao giống miếng thịt,
được gói trong mấy tầng giấy dầu, vật đó bốc mùi hôi thối, chẳng rõ đó có
phải hà thủ ô hay không, bên cạnh đó còn mấy trang giấy cuộn vào trong
ống da. Nhị Học Sinh mở ra xem thì thấy ở đầu thư vẽ ký hiệu hình con
quái xà, nét chữ viết trong thư cẩu thả, chi chít, bé tí như đàn kiến. Lúc ấy,
hắn không có thời gian xem kỹ, cho rằng đó là bí kíp hái thuốc, nên vội