PHÁT TRIỂN TƯ DUY
·
Con người sinh ra đều có sẵn lòng yêu thích việc học hỏi,
nhưng Tư Duy Cố Định có thể giết chết tình yêu đó. Thử nghĩ về
một việc bạn thực sự thích làm trước đây – giải đố, chơi thể thao,
hay học nhảy. Sau đó càng ngày việc đó càng trở nên khó hơn và
bạn muốn bỏ cuộc bằng những lý do như: có thể hôm đó bạn tự
dưng thấy mệt, chóng mặt, chán hay đói. Lần tới nếu tình trạng
này tiếp tục xảy ra, bạn phải tỉnh táo ngay lập tức. Đó là Tư Duy
Cố Định. Hãy đặt mình vào Tư Duy Phát Triển. Tự hình dung ra
trong đầu những hình ảnh khi bạn vượt qua được thử thách và
học được điều gì đó mới. Đừng bỏ cuộc!
·
Chúng ta dễ có xu hướng muốn tạo ra một thế giới mà ở đó,
chúng ta là những cá thể hoàn hảo. Nơi mà chúng ta có thể chọn
người yêu, chọn bạn bè, tuyển dụng những nhân viên biết cách
làm chúng ta cảm thấy chúng ta thật tuyệt vời. Nhưng thử nghĩ
mà xem – liệu bạn có muốn suốt đời chỉ biết dậm chân tại chỗ
hay không? Lần tới, khi cái cảm giác muốn tìm người nào không
bao giờ chê bai mình nổi lên, hãy tới nhà thờ. Còn lại, hãy luôn
tìm kiếm những góp ý mang tính xây dựng.
·
Có điều gì từng xảy ra trong quá khứ khiến bạn cảm thấy
mình bị đánh giá không? Điểm của một bài kiểm tra? Một hành
động không trung thực hay vô tâm? Bị đuổi việc? Bị từ chối tình
cảm? Tập trung vào điều đó. Đón nhận hết những cảm xúc mà nó
gây ra. Và giờ nhìn nó qua lăng kính của Tư Duy Phát Triển.
Nhìn nhận rõ mình đã làm gì góp phần làm sự việc đó xảy ra,
nhưng hiểu rằng nó không định nghĩa được trí thông minh hay
tính cách của bạn. Thay vào đó, hãy tự hỏi: Tôi đã/có thể học
được điều gì từ những trải nghiệm đó? Làm cách nào để biến nó
thành bàn đạp để trở thành con người tốt hơn? Đừng cố chối
bỏ/quên đi/lấp liếm những trải nghiệm ấy. Hãy mang nó theo như
những quyển vở ghi lại những bài học đáng giá vậy.