LỐI TƯ DUY THAY ĐỔI ĐỊNH NGHĨA VỀ THẤT BẠI
Nhà Martin rất cưng cậu con trai 3 tuổi Robert của mình và luôn khoe
khoang về những ưu điểm của cậu bé. Với họ, không có đứa trẻ nào thông
minh và sáng tạo như Robert. Rồi một hôm, Robert làm một việc mà họ
không thể tha thứ được – bé đã không được chấp nhận vào trường tiểu học
hàng đầu New York. Sau việc này, bố mẹ Robert ngay lập tức thay đổi thái
độ. Họ không nói chuyện với cậu bé nhiệt tình như trước, cũng không đối
xử với cậu bằng tình thương và niềm tự hào như trước. Cậu không còn là
Robert thông minh của ngày xưa, mà đã trở thành một Robert đáng thất
vọng – người làm họ phải xấu hổ. Mới có 3 tuổi, cậu bé đã bị gắn mác “Kẻ
thất bại”.
Theo như một bài viết trên tờ New York Times, thất bại đã biến đổi
từ một hành động (Tôi mắc sai lầm) thành một nhân dạng (Tôi là kẻ thất
bại). Điều này đặc biệt đúng trong Tư Duy Cố Định.
Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi cũng rất lo sợ mình sẽ có chung số
phận giống Robert. Năm tôi học lớp 6, tôi luôn đứng đầu trong cuộc thi
đánh vần ở trường. Thầy hiệu trưởng muốn tôi tham gia vào cuộc thi đánh
vần cấp thành phố, nhưng tôi đã từ chối. Tới năm lớp 9, tôi rất giỏi tiếng
Pháp, và cô giáo muốn tôi dự thi môn tiếng Pháp cấp thành phố. Một lần
nữa, tôi lại từ chối. Tại sao tôi lại phải đón nhận rủi ro biến thành một kẻ
thất bại khi tôi đang ở đỉnh cao của thành công cơ chứ? Từ một người chiến
thắng thành kẻ thua cuộc?
Ernie Els, tay gôn lẫy lừng, cũng lo lắng về điều này. Sau 5 năm
không có một danh hiệu nào, Els cuối cùng cũng giành được chiến thắng
trong một giải đấu lớn. Nếu anh ta cũng thua nốt trong giải đấu này thì sao?