Thứ hai, họ đặc biệt hiếu kỳ. Họ luôn ham muốn tột bậc tìm hiểu cơ chế
hoạt động, nguồn gốc của mọi thứ và ham muốn tìm hiểu những gì khiến
con người rung động.
Họ hiếu kỳ về máy làm bánh và hoa khô, về nghi lễ đám cưới của người
Aztec và thiết kế xe gắn máy, về nỗi ám ảnh và những quả chanh.
Họ biết những thứ kiểu như tên con ngựa Napoleon cưỡi trong trận
Waterloo (Marengo), họ biết lòng trắng trứng đánh bông lên sẽ nhiều chừng
nào (gấp bảy lần so với ban đầu), chiếc mũ cao bồi có thể tích chừng bao
nhiêu (gần 3 lít), và loài voi châu Phi phóng uế trung bình bao nhiêu lần
mỗi ngày (16 lần).
Sự hiểu biết của họ đa phần nhờ bản chất hiếu kỳ. Cả cuộc đời, như một
người nói với tôi, họ có “nhu cầu hiểu biết”. Với một số người, nhu cầu này
mạnh mẽ đến mức họ cảm giác đó là một lời nguyền chứ không phải điều
may mắn. Họ đã nhầm.
Vì chính sự hiếu kỳ của họ là một trong những nguyên nhân giúp họ tìm ra
ý tưởng. Sự hiếu kỳ khiến họ tích lũy được ngày càng nhiều kiến thức,
“kiến thức tổng quan về đời sống và sự vật”, đó là “nhân tố quen thuộc” mà
James Webb Young đã đề cập tới.
Và một ngày nào đó, họ kết hợp các nhân tố lại với nhau để tạo ra ý tưởng.
Càng nhiều nhân tố được kết hợp, họ càng tìm ra được nhiều ý tưởng.
Xét cho cùng, nếu “một ý tưởng chẳng là gì khác ngoài sự kết hợp mới của
các nhân tố cũ”, thì có nghĩa là người nào biết nhiều nhân tố cũ hơn sẽ dễ
tìm được ý tưởng hơn là người biết ít.
Jeff Weakley, một người viết quảng cáo, hiểu tầm quan trọng của sự hiếu
kỳ. Anh ta gửi cho tôi bản sơ yếu lý lịch đẹp nhất mà tôi từng thấy. Nó được
trình bày như một quảng cáo trên tạp chí.