Lúc này, Stierlitz cho xe chạy chậm, bởi vì anh rất mệt sau mỗi buổi
liên lạc với Trung tâm – thần kinh căng thẳng tột độ, và sau đó là một cảm
giác rã rời về thể xác.
Con đường chạy qua rừng. Gió đã lặng. Bầu trời đầy sao, sáng sủa và
cao vời vợi.
“Dầu sao, – Stierlitz tiếp tục suy luận, – Moskva cũng đã đúng, khi
cho rằng có khả năng địch đàm phán. Dù các đồng chí ở nhà chưa có số
liệu cụ thể, khả năng ấy vẫn có, bởi vì nó có cơ sở của nó. Moskva biết rõ
sự lục đục trong nội bộ chính phủ Đức, xung quanh Hitler. Trước đây, sự
lục đục tranh ăn này nhằm mục đích trở thành người gần gũi hơn của Quốc
trưởng. Bây giờ có thể diễn ra quá trình ngược lại. Hết thẩy chúng nó: cả
Goering lẫn Bormann, cả Himmler lẫn Ribbentrop, đều gắn chặt số phận
của mình với chế độ quốc xã, với lực lượng SS, với đảng Quốc xã. Mỗi đứa
đều quan tâm tới việc bảo toàn chế độ quốc xã. Nền hòa bình riêng rẽ với
từng nước đồng minh – nếu có tên nào đạt được – sẽ cứu sống riêng tên đó.
Chúng đâu có nghĩ đến một dân tộc bất hạnh, đau khổ. Quốc gia Đức cũng
không làm chúng bận tâm. Mỗi đứa chỉ nghĩ đến một mình bản thân chúng,
chứ có lo lắng gì đến số phận của nước Đức và người Đức. Trong trường
hợp này, năm mươi triệu người Đức chỉ là những con bài để chúng trục lợi.
Một khi chúng còn nắm trong tay quân đội, cảnh sát và lực lượng SS,
chúng có thể lái đất nước sang phía nào cũng được, chỉ cốt sao nhận được
sự bảo toàn tính mệnh cho riêng bản thân chúng mà thôi…”
Một ánh đèn pha rọi tới làm Stierlitz quáng mắt. Anh nheo mắt lại và
lập tức đạp phanh, Từ bụi cây ven đường, hai chiếc mô-tô SS phóng ra
chặn ngang và một tên lính mô-tô chĩa khẩu tiểu liên tự động về phía xe
anh.
...Từ ghế bành, Himmler đứng dậy đi lại cửa sổ: khu rừng mùa đông
đẹp một cách lạ lùng, những bông tuyết lấp lánh như bạc dưới ánh trăng,