nhà chính trị mưu lược gia hiểu biết và giỏi dùng người. Đây chính là một
nước cờ mấu chốt để ông thành tựu nghiệp bá sau này.
TÔN VƯƠNG ĐÁNH DI,
THÔN TÍNH CHƯ HẦU
Chu Ly Vương nguyên niên (năm 681 trước Công nguyên), Tề Hoàn
Công dựa vào thực lực hùng hậu, giương cờ hiệu “Tôn Vương đánh Di”,
bắt đầu khuếch trương đối ngoại, điều này quả thực là kế hay để xuất quân
đánh kẻ yếu. Công khai tước đoạt quyền lực của Thiên tử nhà Chu, tất
nhiên sẽ gây nên sự vùng dậy đánh lại của các nước chư hầu. Việc “Tôn
Vương” trên mặt đạo nghĩa sẽ được sự ủng hộ của các nước chư hầu;
“Đánh Di” ngăn trở các dân tộc thiểu số người Nhung và người Địch ở
vùng núi phương Bắc uy hiếp an toàn của Trung Nguyên, lại cản trở thế lực
của nước Sở khuếch trương lên phía Bắc, bởi vì nước Sở không phải là
nước phân phong ban đầu của nhà Tây Chu, lúc đó còn đang bị coi như một
bang man di. Những điều này đều sẽ được vương thất nhà Chu và các nước
chư hầu hoan nghênh. Trước tiên, Tề Hoàn Công giương cao ngọn cờ lớn
“Tôn Vương đánh Di”, nắm chắc quyền chủ động trên mặt chính trị, mượn
hiệu lệnh của vua nhà Chu, đoàn kết hàng loạt các nước chư hầu phục tùng
điều khiển ở xung quanh nước Tề, rồi tiếp tục đè bẹp thôn tính các nước
chư hầu không tuân theo lời kêu gọi đó. Tháng 3 năm Hoàn Công Nguyên
niên (năm 685 trước Công nguyên), Hoàn Công mời các nước chư hầu như
Tống, Lỗ, Trần, Thái, Vệ, Trịnh, Châu v.v... tới hội thề ở Bắc Hạnh (ở gần
huyện Đông A Sơn Đông ngày nay) để bàn bạc công việc dẹp loạn ở nước
Tống. Tới dự hội thề chỉ có năm nước Tề, Tống, Trần, Thái, Châu, nước Lỗ
không đến, nước Tống lại rút lui ra khỏi hội thề từ sớm. Mùa đông, Tề
Hoàn Công lấy lý do chống lại vương mệnh không chịu tham gia hội thề
Bắc Hạnh, đã kéo quân tiến đánh nước Lỗ đã nhiều năm bất hòa với nước
Tề. Nước Lỗ bại trận, Tề Hoàn Công ép Lỗ Trang Công phải nhường Toại
Ấp, mới bằng lòng hội thề giải quyết tranh chấp.