thấy anh ta: họ thoát ra khỏi các thói quen tự động và nhìn chằm chằm vào
vật thể.
Ý thức tham gia vào hành động khi bất ngờ có điều gì đó xảy ra, khi
chúng ta phải suy nghĩ cần làm gì tiếp theo. Mặc cho bộ não cố gắng lưu lại
càng lâu càng tốt ở trạng thái lái tự động, điều đó không phải lúc nào cũng
khả thi trong thế giới ném ra những trái bóng chày bay cong vun vút.
Nhưng ý thức không chỉ là phản xạ với những bất ngờ. Nó còn đóng một
vai trò quan trọng trong việc giải quyết các xung đột trong não. Hàng tỉ
neuron tham gia vào các nhiệm vụ khác nhau, từ thở đến di chuyển qua
phòng ngủ của bạn đến đưa thức ăn vào miệng đến việc làm chủ một môn
thể thao. Những nhiệm vụ này được củng cố nhờ các mạng lưới rộng khắp
trong bộ máy não. Nhưng điều gì xảy ra nếu có xung đột? Giả sử bạn thấy
mình vươn tới để lấy một hộp kem, nhưng bạn biết rằng bạn sẽ hối tiếc vì
ăn nó. Trong một tình huống như vậy, một quyết định phải được thực hiện.
Một quyết định giải quyết tốt nhất cho cơ thể - bạn - và các mục tiêu lâu dài
của bạn. Ý thức là hệ thống có điểm vượt trội độc nhất, cái mà không hệ
thống thứ cấp nào khác của bộ não có. Và vì lý do này, nó có thể đóng vai
trò trọng tài của hàng tỉ các yếu tố tương tác, các hệ thống thứ cấp và tiến
trình ẩn bên trong. Nó có thể lập kế hoạch và đặt mục tiêu cho toàn bộ hệ
thống.
Tôi coi ý thức như CEO của một tập đoàn lớn, với hàng ngàn chi nhánh
và phòng ban đều đang cộng tác, tương tác và cạnh tranh bằng nhiều cách
khác nhau. Các công ty nhỏ không cần CEO - nhưng khi một tổ chức đủ lớn
và phức tạp, nó cần một CEO vượt lên trên các tiểu tiết hằng ngày và để tạo
ra tầm nhìn lâu dài cho công ty.
Mặc dù CEO tiếp cận được rất ít chi tiết về các hoạt động hằng ngày của
công ty, nhưng ông ta luôn có cái nhìn sâu sắc về công ty. CEO có quan