Nếu tôi tìm kiếm xem trạng thái xã hội nào là tối hảo cho các cuộc đại cách mạng trí tuệ, tôi thấy
rằng có thể nó ở đâu đó giữa sự bình đẳng hoàn toàn của mọi công dân và sự phân li tuyệt đối của các
giai cấp.
Dưới chế độ đẳng cấp, các thế hệ nối tiếp nhau mà con người vẫn cứ ở nguyên vị trí của mình;
những người này thì chẳng biết chờ đợi có gì hơn, những người khác thì chẳng hi vọng cái gì tốt đẹp
hơn nữa. Trí tưởng tượng ngủ vùi giữa cảnh lặng im và cảnh bất động phổ biến khắp nơi đó, thậm chí
con người cũng chẳng có nổi ý nghĩ về sự chuyển động nữa.
Khi các giai cấp bị xoá bỏ, và khi các điều kiện đã gần như đồng đều, mọi con người đều không
ngừng vùng vẫy, nhưng từng con người lại cách biệt với nhau, con người đó độc lập và yếu. Trạng
thái này vô cùng khác với trạng thái trước; tuy nhiên, cả hai trạng thái lại có một điểm tương đồng. Đó
là trong cả hai trạng thái, đều hiếm xảy ra các cuộc đại cách mạng.
Nhưng giữa hai cực đó của lịch sử các dân tộc, có một thời kì trung gian, một thời đại vinh quang
và xáo trộn, khi các điều kiện chưa đủ cố định để cho trí tuệ con người được ngủ ngon, và khi các điều
kiện đó vẫn còn tương đối không đồng đều để mọi con người có thể có quyền uy rất lớn đến tinh thần
của nhau, và để cho một vài người có thể làm thay đổi các niềm tin của tất cả mọi người. Chính đó là
lúc nổi lên những nhà cải cách đầy sức mạnh, và đó là khi các tư tưởng mới mẻ đột nhiên làm thay đổi
diện mạo thế giới.