Điều này không chỉ vì các quốc gia đều có trạng thái xã hội như nhau, mà vì cái trạng xã hội đó đã
tới độ khiến cho con người phải bắt chước nhau và hoà trộn vào nhau.
Khi các công dân bị chia rẽ thành giai tầng và giai cấp, họ không chỉ khác nhau mà thôi, họ còn
không có cả thích thú lẫn ước vọng được giống nhau. Ngược lại, mỗi anh càng ngày càng tìm cách
duy trì quan niệm và thói quen sao cho nguyên vẹn cho riêng mình. Tinh thần cá thể rất mạnh.
Khi một quốc gia có trạng thái xã hội dân chủ, nghĩa là trong lòng nó chẳng còn giai tầng hoặc giai
cấp nữa, và các công dân của nó đều gần như ngang nhau về trí tuệ và tài sản, khi đó tinh thần con
người lại làm cuộc lội ngược dòng. Con người giống nhau và hình như họ còn đau khổ vì không được
giống nhau. Không những không muốn duy trì cái gì còn có thể làm cho mỗi con người thành riêng
biệt, họ còn muốn làm mất đi cả những đặc điểm riêng đó để có thể hoà trộn vào chung với cả khối,
dưới con mắt nhìn của họ là cái duy nhất đại diện cho quyền và lực. Tinh thần cá thể hầu như đã bị thủ
tiêu hẳn.
Vào thời quý tộc trị, ngay cả những ai giống nhau một cách tự nhiên cũng đều có mong muốn tạo
ra giữa họ những khác biệt tưởng tượng. Vào thời dân chủ, ngay cả những người tự nhiên không
giống nhau thì lại chỉ mong muốn được giống nhau và bắt chước nhau, đến độ là tinh thần từng con
người luôn luôn bị cuốn vào dòng vận động chung của loài người.
Cũng có chuyện tương tự giữa quốc gia này với quốc gia nọ. Hai dân tộc xưa kia có cùng trạng
thái xã hội quý tộc trị, họ có thể tồn tại khác biệt khá rõ nét với nhau, bởi vì tinh thần quý tộc trị là
làm cách gì để được cá thể hoá. Nhưng hai quốc gia láng giềng lại chẳng thể nào có cùng trạng thái xã
hội dân chủ mà lại không cùng có ngay những quan niệm và tập tục giống nhau, bởi vì tinh thần dân
chủ khiến cho con người có xu hướng hấp thụ lẫn nhau.