chưa chắc anh đầu bếp lại cần mua giáo của anh kia! Mà ngay cả khi nhu
cầu của họ khớp nhau, một ngọn giáo sẽ tương đương với mấy bữa ăn?
Để thay thế hệ thống thương lượng lộn xộn này, hòn đảo của chúng ta
cần một thứ gì đó có thể được tất cả mọi người chấp nhận và dùng để trao
đổi lấy bất cứ thứ gì. Nói cách khác, cư dân đảo cần có Tiền!
Thoạt tiên, do mọi cư dân đảo đều ăn cá, người ta quyết định rằng cá sẽ
được dùng làm tiền tệ. Nói ngắn gọn, mọi mức giá cả và thù lao, lương
bổng đều tính bằng cá. Và do mức sống tối thiểu hàng ngày vẫn được coi là
một con cá / ngày, một con cá có một giá trị mà tất cả mọi người đều có thể
tham chiếu. Cơ cấu giá cả của hòn đảo, do vậy, liên quan tới giá trị thực
hay giá trị nội tại của cá - tiền tệ.
Hiệu suất và giảm phát
Một nền kinh tế với người lao động chuyên môn hóa trong từng nghề
hay dịch vụ cụ thể luôn hiệu quả hơn một nền kinh tế với các thành viên
cùng làm một việc. Chuyên môn hóa làm tăng sản xuất, từ đó tăng mức
sống.
Giả sử một cư dân trên đảo trung bình mất 5 ngày để làm ra một chiếc
xuồng. Với vợt bắt cá, một người có thể bắt 2 con cá hàng ngày. Như vậy,
để làm ra một chiếc xuồng anh ta phải hy sinh thu nhập của 5 ngày, tương
đương 10 con cá. Tuy nhiên, trên đảo có một anh chàng tên Duffy, khéo léo
hơn trong việc đốn cây, cưa đục gỗ v.v..., anh này có thể làm xong chiếc
xuồng chỉ trong vòng 4 ngày.
Thế là, thay vì đi đánh cá hàng ngày như những người khác, Duffy quyết
định chỉ làm xuồng mà thôi. Vì bản thân chỉ phải hy sinh, hay trì hoãn
khoản thu nhập tương đương 8 con cá để làm 1 chiếc xuồng, Duffy có thể
kiếm lời nếu tính phí là 9 con cá cho một chiếc xuồng mà anh ta làm ra.
Theo đó, thu nhập của Duffy đã tăng lên do chuyên môn hóa!
Với lợi thế vừa nêu của Duffy, các cư dân khác trên đảo nên mua xuồng
từ anh ta. Nếu tự làm, họ phải hy sinh một khoản thu nhập là 10 con cá.