Làm trai biết đánh tổ tôm,
Uống chè mạn hảo, xem nôm Thúy Kiều.
Câu ca dao trên cho ta biết thời xưa đã gọi là làm trai phải biết đánh tổ
tôm, biết thưởng thức chè mạn hảo và đọc văn chương của cụ Nguyễn
Du.
Đánh tổ tôm là một thú chơi tao nhã. Chơi tổ tôm phải đấu trí cũng phân
biệt cao thấp như chơi cờ. Con người phong nhã phải biết giải trí bằng tổ
tôm. Tổ tôm không bị coi là một môn cờ bạc, mà được liệt vào hạng thú
thanh cao.
Trong những ngày khao vọng, giỗ chạp cưới xin ở vùng quê đều có vài
bàn tổ tôm để các cụ giải trí. Và trong những ngày hội, hầu hết tại các
làng vùng quê miền Bắc đều có mấy bàn tổ tôm và muốn để cuộc đấu trí
được long trọng hơn, những bàn tổ tôm này được tổ chức công cộng để
cho mọi người đi hội được dự cuộc đấu trí của các đấu viên: người ta tổ
chức tổ tôm điếm.
Tổ tôm chơi năm người, người ta lập năm cái điếm là Đông, Tây, Nam,
Bắc và Trung. Những điếm này có thể cất trên một khoảng đất rộng. Mỗi
điếm là một cái chòi, có thang để đấu viên lên. Những điếm này cũng có
thể là những bàn quây kê ở tam quan đình hoặc ở phòng nhà hội đồng.
Điếm muốn lập ở đâu cũng được, điều cốt yếu là giữa năm điếm phải có
một chỗ trống rộng để khách đi hội có thể xem được. Bài tổ tôm điếm
cũng giống như bài tổ tôm thường với ba hàng Văn, Sách, Vạn thêm
những quân chi chi, thang thang, ông cụ, tổng cộng 120 quân, nhưng bài
không phải là những hình vẽ trên bìa cứng như tổ tôm thường; đây là hai
mảnh gỗ ghép lại với nhau, có thể mở ra được. Trên một mảnh gỗ có viết
chữ để chỉ quân bài, còn mảnh kia ghép lại như nắp đậy. Lúc đánh bài,
mở nắp ra, nhưng lúc chia, người chia bài phải đậy nắp lại, để tránh sự
trông ngó của các đấu viên hoặc sự gian lận thông lưng giữa người chia
bài với một số đấu viên nào.