Nhiệm kỳ của Ban quản trị là hai năm bầu lại một lần, ngoại trừ Ban Tế
Tự không thay đổi, trừ phi có vị nào qua đời và vì một lẽ riêng gì đặc
biệt. Một điều nên để ý là mỗi vị trong mỗi ban đều được Ban Quản Trị
cấp phát ''Bầu cử Chứng Thư'' (xưa gọi Tờ cữ) hẳn hoi, để chứng tỏ
đương sự có công với đình thần.
Tổ chức đình đám
Mặc dù đồng bào địa phương vẫn biết rằng đình xã sở tại của mình thờ
''Thành hoàng Bổn Cảnh'' tức vị Thần thiêng liêng vô danh, nhưng họ lại
rất hãnh diện vì có sắc phong rực rỡ do đặc ân của vua ban, nên đứng
trên phương diện tín ngưỡng vô bờ bến, họ quan niệm sâu sắc là ''linh bất
linh tại ngã'', nên trọn vẹn tin tưởng vị Thành hoàng Bổn Cảnh như vị
linh thần có huyền năng mang đến đời sống họ đầy đủ cả hạnh phúc về
danh lợi, tiền tài, tình duyên, mùa màng, luôn cả điều kiết hung nữa.
Bởi vậy, từ xưa đến nay, để tôn sùng cao độ vị thần thiêng liêng an trấn
tại đình, các vị Tiên Hiền, Hậu Hiền, Kế Hiền đều triệt để thi hành hai cổ
lệ tế thần như sau:
Đại lễ Kỳ Yên vào ngày 16-17-18 tháng 5 âm lịch
Tiểu Lễ Chạp Miếu hay Lạp Miếu vào ngày 16-17 tháng Chạp âm lịch.
Tuy nhiên Đại Lễ Kỳ Yên không còn là ngày bất di bất dịch nữa. Đến
năm 1967, Ban Quản Trị đồng ý cải tổ ngày Đại Lễ Kỳ Yên vào ngày 9-
10 tháng 5 âm lịch cho phù hợp với sự sinh hoạt địa phương, còn ngày
Tiểu Lễ Chạp Miếu thì để y như cũ.
Đến đây, thiết tưởng cũng nhắc lại việc tổ chức Đại Lễ Kỳ Yên ngày xưa
có kiêm cả hát bộ. Dưới đây là:
Bài xây chầu hát đình
1. Thần tiền niệm hương chú
Phục vị càn tượng, cảm dĩ thoại thông.