Leo cầu phao tưởng chừng như dễ mà rất khó, thường hội đồng làng kén
cây tre dài làm cầu. Bước đi của người dự cuộc làm rung mạnh cây tre,
và cây tre rung mạnh đã hất họ ngã xuống nước, họ không bấu víu vào
đâu, họ chỉ lấy thăng bằng do bản thân họ. Những người bắt đầu cuộc
vui còn đi được khá xa trên thân cây tre, những người sau đi khó khăn
hơn, cây tre bị nước do người đã ngã làm bắn lên, trơn như bôi mỡ.
Người leo cầu phao bước rập rình rồi ngã ùm xuống nước đã làm trò
cười cho khách xem hội đứng ở trên bờ và do chính họ cũng tự thấy vui
vui, họ lội nước trở vào bờ leo lại.
Trong lúc leo cầu phao, họ mình trần trục, chỉ đóng một chiếc khố mầu
xanh, đỏ, nâu, tím, tùy người. Có lắm người trông khỏe mạnh như những
lực sĩ. Các chàng trai làng leo cầu phao thường được khuyến khích bởi
các cô gái làng cười chúm chím ở trên bờ!
Đốt phao thi
Ngày Tết mừng Xuân người ta đốt pháo, trong những ngày hội Xuân dân
tộc, để hội được thêm phần nhộn nhịp tưng bừng, dân các làng quê đều
có đốt pháo, nhất là trong những đám rước thần, sau những buổi tế thần
hoặc trong những cuộc vui có giải, để mừng người được giải, người ta
đều đặt một bánh pháo.
Tại chợ Dưng, ngày Tết, ngày Xuân pháo đã nổ nhiều và cả trong ngày
hội, cũng xác pháo đỏ, khói pháo thơm với tiếng pháo ran ran được dân
làng đốt mừng khi rước, khi tế cũng như khi khuyến khích các người dự
thi trong các cuộc vui.
Đặc biệt hơn ở hội này có tục thi pháo. Pháo do dân làng làm lấy theo
những phương pháp cổ truyền, hoặc do dân làng đặt làm ở những làng có
nghề làm pháo. Đúng ra, pháo dự thi phải là pháo dân làng tự làm lấy,
nhưng cũng khó ai có thể kiểm soát được pháo này do dân làng làm,
pháo nào thuê đặt làm tại những làng làm pháo chuyên môn. Trước kia
thỉnh thoảng còn có người khiếu nại về xuất xứ của pháo nhưng về sau
cũng chẳng ai kêu ca, và ban hội đồng cho rằng, pháo nào cũng là pháo,