Quý Bạch không lập tức trả lời, mà quay sang Hứa Hủ: “Hãy nói
suy nghĩ của em.”
Quý Bạch vừa dứt lời, mọi người đều nhìn Hứa Hủ.
So với lúc mới vào cục cảnh sát, Hứa Hủ tỏ ra chững chạc hơn
nhiều, cô gật đầu: “Tôi cho rằng hung thủ là người quen của Diệp
Tử Tịch, thậm chí quan hệ rất gần gũi. Tôi đề nghị hãy bắt đầu
điều tra từ những người ở bên cạnh chị ấy.”
“Tại sao?” Một cảnh sát cất giọng hiếu kỳ.
Hứa Hủ đáp: “Có hai hành vi chứng tỏ điều này. Thứ nhất là hành
vi của Diệp Tử Tịch. Tin nhắn chị ấy gửi là “cứu chị”, chứ không
phải “báo cảnh sát”. Điều này không hợp lý. Kêu Diệp Tử Kiêu
báo cảnh sát, cảnh sát khu vực chắc chắn sẽ đến nhanh hơn Diệp
Tử Kiêu ở trong nội thành, có thể kịp thời cấp cứu chị ấy. Diệp Tử
Tịch là người có tư duy nhạy bén và tố chất tâm lý rất tốt. Dù phải
đối mặt với cái chết, tôi tin chị ấy cũng có thể đưa ra phán đoán có
lợi cho bản thân. Trừ khi chị ấy không muốn báo cảnh sát, bởi
hung thủ là người quen của chị ấy.
Thứ hai là hành vi của hung thủ. Hung thủ không chỉ đâm chết
nạn nhân, mà còn cắm con dao rọc giấy vào người nạn nhân. Nhìn
từ bề ngoài, đây là hành vi ngược đãi không cần thiết, mà giống
một loại ký hiệu hay nghi thức nào đó của hung thủ.
Lúc nhân chứng phát hiện ra thi thể nạn nhân, trên người nạn nhân
đắp một cái áo khoác chỉnh tề. Hành vi này có khả năng phản ánh
hai tâm trạng: ân hận hoặc thương tiếc. Một tên giết người biến
thái tùy cơ gây án, khó có thể nảy sinh tâm trạng đó với nạn nhân.