LỜI TỰA TỪ MIKKO HYPPONEN
Vài tháng trước, tôi tình cờ gặp lại một người bạn cũ từ thời trung học.
Chúng tôi đi uống cà phê để hàn huyên và chia sẻ với nhau về cuộc sống
mỗi người. Bạn tôi đang phân phối và hỗ trợ các loại thiết bị y tế hiện đại,
còn tôi thì cho hay suốt 25 năm nay tôi chỉ chuyên làm về quyền riêng tư và
an ninh trên Internet. Nghe nhắc đến quyền riêng tư trên mạng, bạn tôi bật
cười khúc khích. “Nghe cũng hay đấy,” anh nói, “nhưng tôi không thực sự lo
lắng về chuyện đó. Xét cho cùng, tôi không phải là tội phạm, cũng không
làm điều gì xấu. Tôi không quan tâm chuyện người khác theo dõi những gì
tôi làm trên mạng.”
Tôi thấy buồn khi nghe người bạn cũ giải thích vì sao anh ấy lại không coi
trọng sự riêng tư. Tôi buồn vì đã từng nghe những lí do này rồi, rất nhiều lần
là đằng khác. Tôi nghe từ những người cho rằng họ không có gì phải giấu
diếm. Tôi nghe từ những người cho rằng chỉ tội phạm mới cần tự bảo vệ
mình. Tôi nghe từ những người cho rằng chỉ khủng bố mới sử dụng mã hóa.
Tôi nghe từ những người đinh ninh rằng chúng ta không cần bảo vệ các
quyền của mình. Nhưng thực sự thì chúng ta cần phải bảo vệ các quyền của
mình. Và quyền riêng tư không chỉ ảnh hưởng đến các quyền của chúng ta,
mà bản thân nó chính nó là một quyền của con người. Trên thực tế, quyền
riêng tư đã được công nhận là một quyền cơ bản của con người trong Tuyên
ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên Hợp Quốc năm 1948.
Nếu như ngay từ năm 1948, quyền riêng tư của chúng ta đã cần được bảo vệ,
thì ngày nay chắc chắn nhu cầu đó càng ngày càng cấp thiết hơn. Suy cho
cùng, chúng ta là thế hệ đầu tiên trong lịch sử nhân loại có thể bị theo dõi
với mức độ chính xác như vậy. Chúng ta có thể bị theo dõi bằng kĩ thuật số
trong suốt cuộc đời. Hầu như tất cả các nội dung liên lạc của chúng ta đều có
thể bị nhìn thấy bằng cách này hay cách khác. Chúng ta thậm chí còn liên
tục mang những thiết bị theo dõi nhỏ trên người – chỉ có điều chúng ta
không gọi chúng là thiết bị theo dõi, mà gọi là điện thoại thông minh.