Không-thời gian, bước nhảy lượng tử, và không-thời gian bị vật chất năng
lượng uốn cong là những điều quá xa lạ so với các trải nghiệm thông thường
đến mức đầu óc con người bình thường, trừ một số biệt lệ hiếm hoi, không thể
nào hiểu ra nổi. Lần đầu tiên kể từ khi các nhà triết học tự nhiên bắt đầu tìm
hiểu bản chất của vũ trụ, các nhà khoa học đã sáng tạo ra những hình mẫu của
thực tại mà con người, loài nhìn giỏi nhất trong tất cả các loài, lại không hình
dung nổi. Dường như các khái niệm của thuyết tương đối rộng chỉ có thể được
diễn tả một cách chính xác nhất bằng việc sử dụng những kí hiệu toán học trừu
tượng.
Những độc giả nào đã đi cùng tôi đến tận đây trên con đường tìm hiểu việc
vật lí và nghệ thuật đã bổ sung cho nhau như thế nào chắc hẳn sẽ không ngạc
nhiên khi công nhận rằng sự thất bại của ngôn ngữ trong việc diễn tả hình mẫu
mới mẻ này của vật lí đã trùng hợp với sự xuất hiện của một loại hình nghệ
thuật phi diễn tả hoàn toàn mới mẻ. Họ cũng sẽ không ngạc nhiên rằng nghệ
thuật trừu tượng, tương tự như toán học trừu tượng mà ngành vật lí mới này
dựa trên nó, cũng không thể diễn dịch thành một mô hình thị giác có thể hiểu
được một cách dễ dàng. Hình học phi Euclid, cái không gian chuyên môn nhà
nghề không thể hình dung nổi, vốn được coi là chỉ đóng khung trong toán học,
giờ đây đã trở thành cơ sở mới của thực tại vật lí, cũng như nghệ thuật không
có hình ảnh đã trở thành một phong cách chủ đạo mới trong nghệ thuật.
Bốn mươi năm trước khi Einstein chứng minh rằng không gian trống không
phải là rỗng không, mà có những đặc tính thực, có thể diễn tả được bằng hình
học, thì Cézanne đã lấy hình học làm cơ sở cho nghệ thuật của mình. Không
chỉ nhấn mạnh việc đơn giản hóa mọi hình dạng thành ba khối hình nón, hình
trụ và hình cầu như chúng ta đã thấy, mà ông còn bắt đầu đối xử với không
gian trong nghệ thuật của ông như một thứ hình học có những tính chất hiển
hiện như sờ thấy được.
Trong thập kỉ thứ hai của thế kỉ hai mươi, Kandinsky, họa sĩ Trừu tượng đầu
tiên, cho rằng không gian chứa tiềm tàng trong nó một loại hình học và đã tổ
chức các tác phẩm thuộc thời kì sau của mình mang phong cách hình học. Tình
cờ, các nghệ sĩ Phong cách Siêu đẳng Nga, đứng đầu là Malevich và trường
phái De Stijl Hà Lan cũng nhiệt tình tán dương chủ đề hình học này. Mondrian,