họa sĩ ngay trước đó, đã biến bay lượn, trôi bồng bềnh, nhẹ bỗng trong không
trung trở thành những cảnh thường gặp trong tác phẩm của mình.
Trong bức Tôi và ngôi làng (1911) (Hình 23.6), Chagall đã giới thiệu một
hình ảnh nhất quán với khái niệm lực hấp dẫn bằng không. Hai hình người
trong tranh không những chỉ bay lượn, mà một trong số đó còn “lộn ngược”.
Các từ “lên”, “xuống”, “trên”, “dưới”, “phía trên”, “phía dưới”, “đỉnh”, “đáy”
không còn thực sự là những vectơ của không gian Euclid nữa, mà là những ý
niệm liên quan đến lực hấp dẫn: những vật ở “trên” thì cách xa tâm của lực hấp
dẫn, còn những vật ở “dưới” thì gần với tâm ấy hơn. Chúng ta không thể nhìn
thấy trên và dưới, chúng ta chỉ cảm thấy được trên và dưới mà thôi. Nhưng nếu
như lực hấp dẫn chỉ là một hư cấu của vũ trụ ba chiều, thì những từ này sẽ
chẳng có ý nghĩa gì trong ngôn ngữ của vũ trụ bốn chiều. Đối với người nghệ
sĩ, các phương hướng như “lên” và “xuống” đã mất hết ý nghĩa kiểu Newton
của chúng và đã được cuộc cách mạng Einstein chiếm chỗ, đúng ở quanh cái
góc ba chiều đó.
Hệ thống của Newton, kể cả những định luật vạn vật hấp dẫn, đã được biết
đến là vật lí cổ điển, có lẽ là để tôn vinh những chân lí cổ điển của Plato vốn
được coi là lí tưởng. Tương tự như vậy, trên nhiều phương diện, hệ thống cơ
học của Newton cũng được tin là lí tưởng, không thể còn nghi ngờ gì được
nữa. Nhưng trước khi các phát hiện của Einstein về hấp dẫn đã đưa đến những
ngoại lệ đối với vật lí cổ điển, thì Picasso đã sáng tác một loạt bức họa sử dụng
những chủ đề cổ điển, chứa đầy các nhân vật to béo đồ sộ lồ lộ kiểu Hi-La, ví
dụ như bức Ba người đàn bà tại nguồn nước (1921) (Hình 23.7). Dường như
Picasso đã linh cảm được rằng các quan niệm cổ điển về vật chất và mật độ
đang sắp sửa sẽ bị biến đổi, nên những hình hài tân cổ điển này đã tương phản
gay gắt với kiểu người gầy gò bị bóp dài ra trong các bức họa thời kì Xanh và
Hồng của ông. Nếu như các nghệ sĩ xiếc rong của ông là một ẩn dụ cho sự kéo
dài của hình dạng theo thuyết tương đối, thì những hình hài béo tròn như ảnh
trong gương nhà cười lại là một ẩn dụ chính xác khác về không-thời gian bị
uốn cong. Picasso đã diễn tả những biến dạng của nó một cách rất thoải mái
trong các tác phẩm hội họa đầy hình ảnh của mình.