Từ đây đến cuối cuốn sách, tôi sẽ thực hiện việc so sánh giữa hình ảnh mà
một nghệ sĩ sẽ hình dung ra với cái mà một người quan sát tưởng tượng sẽ
nhìn thấy
bằng mắt và
bức ảnh
chụp được bằng máy ảnh khi chuyển động với
các vận tốc tương đối tính (tức là gần vận tốc ánh sáng - ND). Việc này sẽ
khác với việc một nhà khoa học, dùng các thiết bị tinh vi của mình, tiến hành
đo đạc
khi chuyển động với cùng vận tốc đó. Ví dụ, người ta có thể đo được
các hiệu ứng tương đối tính tại các vận tốc thông thường hằng ngày bằng các
thiết bị đo cực kì tinh nhậy. Mãi đến năm 1959, các nhà khoa học mới bắt tay
vào giải quyết một cách đầy đủ vấn đề người quan sát sẽ thực sự nhìn thấy cái
gì. Thậm chí ngày hôm nay, với sự trợ giúp của những mô phỏng tân tiến trên
máy tính, các chuyên gia thuyết tương đối vẫn chưa nhất trí với nhau về việc
sẽ có những hiệu ứng thị giác thật sự nào tồn tại ở những vận tốc tương đối
tính. Hendrick Lorentz và George FitzGerald là hai nhà vật lí trước Einstein đã
phỏng đoán rằng hình dạng bên ngoài của một vật thể dường như sẽ co ngắn
lại khi nó đi qua một người quan sát với một tốc độ rất cao. Nhiều nhà khoa
học trong lĩnh vực này sau đó đều tin một cách sai lầm rằng hiệu ứng co
Lorentz-FitzGerald, như nó đã được gọi tên như vậy, sẽ không thể quan sát
được. Tuy nhiên, cho đến năm 1961, các nhà khoa học đã nhận ra rằng sự co
ấy thực sự có thể nhìn thấy.