Không phụ lòng mong mỏi của cha, Lê Chân càng lớn càng tỏ ra
thông minh, có chí khác người. Hai mươi tuổi, nàng đã giỏi mưu lược
quân cơ và nổi danh tài sắc. Nhiều người đến hỏi nhưng Lê Đạo và
nàng đều gạt đi, vì thấy họ đều là người tầm thường, chỉ chăm
việc nhà mà quên việc nước.
Tiếng tăm đồn đại về cô gái Lê Chân tài sắc bay đến tai Tô
Định. Phần vì hiếu sắc, phần cũng muốn cầu thân mua chuộc
người tài giỏi, Tô Định bắn tin cho Lê Đạo tỏ ý muốn lấy Lê Chân
làm vợ. Y sai sứ đem lễ vật đến dạm hỏi: đi lại ba, bốn lần, song Lê
Đạo và nàng đều một mực từ chối. Trở mặt, y khép Lê Đạo vào tội
“làm phản” rồi giết ông và cho quân về vây bắt Lê Chân. Nợ nước
thù nhà đè nặng lên vai, người con gái họ Lê bèn thu nhặt của cải từ
giã quê hương xuống thuyền, xuôi vùng ven biển tới miền huyện
An Dương (nay thuộc thành phố Hải Phòng). Cặp mắt sắc sảo có
tầm nhìn xa trông rộng của người giàu mưu lược giúp bà thấy ngay
miền biển này chính là nơi dụng võ được: địa hình hiểm yếu, đường
thuỷ liền thông, rất tiện lập một căn cứ chống giặc. Bà bắn tin
cho bè bạn, họ hàng nơi quê cũ, gọi họ đến để cùng bàn với dân địa
phương khai phá xây dựng quê hương mới. Sau ba năm, vùng biển
hoang vu đã trở thành một trại ấp lớn. Nhớ miền quê cũ, bà đặt tên
quê hương mới là trang An Biên (nay thuộc khu phố Lê Chân, Hải
Phòng)
Lê Chân còn mở chợ ven sông, để dân chúng và thuyền buôn
nước ngoài tới buôn bán, đổi chác hàng hoá; nhân đó, bà tích trữ
lương thực, mua sắm vũ khí chờ dịp trả thù nhà đền nợ nước. Để
dân chúng chăm việc quân và cũng là dịp chiêu nạp những người
hiền tài, bà mở đài thi võ, mở lò đấu vật. Người các nơi nô nức tìm
về hưởng ứng. Cả vùng An Biên thành một thao trường rộng lớn;
nghĩa binh đêm ngày luyện tập. Năm 40, tin vui sông Hát bay về,
Hai Bà Trưng đã dựng cờ khởi nghĩa. Lập tức, Lê Chân lãnh đạo nhân