nhanh như gió thổi. Ngoài việc đi kiếm củi ông chỉ mê vật. Vật suốt ngày
không mệt, không chán.
Bấy giờ ở làng Vồm (Thiệu Hoá, Thanh Hoá) có ông Vồm là tay đô
vật nổi tiếng. Nghe tin Lê Phụng Hiểu thích đánh vật, đô Vồm cưỡi ngựa
tìm đến thôn Bưng để thử tài. Tới nơi Lê Phụng Hiểu lại đi rừng kiếm
củi. Nhân dò hỏi người làng, biết rõ tài vật, tài chạy và sức khoẻ kinh
người của ông thì đô Vồm rụng rời chân tay vội ra roi, rạp mình trên lưng
ngựa chuồn về. Lát sau, Lê Phụng Hiểu vác bó củi to tướng về nhà.
Thấy kể lại có người đến khiêu khích, ông đùng đùng nổi giận, vứt
phăng bó củi đánh “rầm” rồi quay ra đuổi theo. Loáng một cái, ông đã
bắt kịp đô Vồm. Vồm chưa kịp đối phó thì Lê Phụng Hiểu đã nhanh
như chớp xô vào túm cổ. Đang nóng giận, ông chẳng nói chẳng rằng vung
Vồm lên quật mạnh vào vách đá. Vách đá bị lõm xuống nên mới gọi là
núi Vồm.
Ít lâu sau, ở vùng núi Hoa Lâm (tức Bình Lâm, Hà Trung) có một đàn
cọp dữ kéo về tàn phá: cõng thú, bắt người, gây nhiều thiệt hại. Dân
ven núi Hoa Lâm sợ hãi, không ai dám ở. Lê Phụng Hiểu nghe tin, tức
lắm xin phép mẹ già lên rừng bắt cọp, trừ hoạ cho dân. Ông xồng xộc
vào hang hùm. Cả một đàn hổ đói hung dữ như thế mà vừa trông thấy
ông đều chết khiếp, cong đuôi chạy trốn. Nhưng bốn chân cọp
phóng như bay cũng không lại được đôi chân chạy như gió của Lê Phụng
Hiểu. Chúng lần lượt bị tóm cổ. Con thì bị đấm, bị đá vỡ đầu văng xác
ra xa, con thì bị ông cầm cẳng quật vào cây chết không kịp ngáp. Từ
ấy, dân núi Hoa Lâm lại yên ổn làm ăn.
Ca ngợi tài đức ông, dân gian có câu hát:
Đức đại vương tài khí anh hào
Khi giơ gươm, khi nhảy ngựa,
khi chia đất, lúc quăng dao...
Trong muôn đội kẻ giáp bào còn tưởng tượng.