- Atlanta Times -
Robert van Gulik (1910 - 1967) là một viên chức ngoại giao người Hà
Lan. Mối quan tâm đến ngôn ngữ và văn hóa châu Á đã thúc đẩy ông trở
thành một nhà Đông phương học uyên thâm và là tác giả của hàng loạt
cuốn sách về văn hóa phương Đông. Trong thời gian công tác tại Trung
Quốc và Nhật Bản, van Gulik tìm hiểu nền văn học dân gian ở đây và bị ấn
tượng bởi nhân vật lịch sử Địch Nhân Kiệt - một vị thần thám thời nhà
Đường. Những câu chuyện cổ trong biên niên sử Trung Hoa về vị quan án
nổi tiếng này là nguồn cảm hứng để ông sáng tác nên bộ truyện Địch Công
kỳ án trứ danh.
Địch Công kỳ án là bộ tiểu thuyết 16 tập thuộc dòng trinh thám quan
án. Nội dung tác phẩm xoay quanh nhân vật Địch Nhân Kiệt và các trợ thủ
thân tín, cùng những vụ kỳ án muôn màu muôn vẻ ông đã phá giải trên
hành trình thăng tiến từ một Huyện lệnh lên đến chức Tể tướng.
Có thể nói, tác giả đã hội tụ và đúc kết những gì tinh hoa nhất của hai
dòng trinh thám phương Đông và phương Tây vào kiệt tác Địch Công kỳ
án. Bộ tiểu thuyết được viết theo phong cách đậm chất duy lý, đồng thời
cũng là tác phẩm trinh thám phương Tây đầu tiên đi theo mô tuýp trinh
thám quan án và mang lại sức sống mới cho dòng trinh thám đậm chất
phương Đông này. Nhờ vậy mà đến tận bây giờ, Địch Công kỳ án vẫn giữ
vị trí độc tôn đặc biệt, là tác phẩm thành công nhất trong dòng trinh thám
quan án.
Theo niên biểu các vụ án mà Địch Nhân Kiệt tham gia, Ngự Châu Án
là cột mốc thứ sáu trong sự nghiệp quan án của ông. Năm 669, Địch Công
vẫn giữ cương vị Huyện lệnh của Phổ Dương, một trấn huyện nằm bên
kênh đào Đại Vận Hà. Trong buổi tối diễn ra lễ hội đua thuyền rồng, ông
tận mắt chứng kiến hai vụ án mạng riêng rẽ. Điều Địch Công không ngờ tới
là những vụ án này đều liên quan đến một viên ngự châu đã thất lạc từ trăm
năm trước.