trên phà cũng ráng sức chống vào bờ nhờ một chiếc sào vớ được ở trong
phà.
Nhờ sự săn sóc của Raoul và của người nhà chàng kỵ sĩ, sự sống trở lại
trên đôi má nhợt nhạt của kẻ sắp chết, đôi mắt anh mở ra lúc đầu ngơ ngác,
nhưng rồi liền sau đó nhìn chằm chằm vào người đã cứu mình.
— A! Ông ơi, - anh kêu lên, - Chính ông là người tôi đang tìm đây,
không có ông thì tôi chết rồi, ba lần chết rồi.
— Nhưng người ta sống lại chứ, ông thấy đấy, - Raoul đáp, - và chúng ta
cũng chỉ phải một mẻ tắm thôi.
Người tóc hoa râm nói:
— Ôi, thưa ông, đội ơn ông nhiều lắm?
— A, kìa ông, ông Arminges quý hóa của tôi! Tôi làm ông sợ hết hồn
phải không? Ông là gia sư của tôi, tại sao ông không dạy tôi bơi giỏi hơn.
— Ôi, thưa Bá Tước, - Ông già nói, - nếu ông có mệnh hệ nào, tôi sẽ
chẳng bao giờ dám ra mắt ngài Thống Chế.
— Nhưng chuyện ấy xảy ra như thế nào nhỉ? - Raoul hỏi.
Người được tôn là Bá Tước đáp:
— A, thưa ông, xảy ra một cách thật là đơn giản. Chúng tôi ra được non
một phần ba sông thì dây phà đứt. Người đi phà kêu la và nhốn nháo làm
cho con ngựa của tôi hoảng sợ và nhảy xuống nước.
— Tôi bơi kém quá nên chẳng dám lao xuống sông. Đáng lẽ lựa theo
những cử động của con ngựa thì tôi lại làm cho nó tê liệt và tôi đang chết
đuối một cách tao nhã nhất đời thì ông đến vừa đúng lúc để kéo tôi lên. Cho
nên thưa ông, nếu ông vui lòng, thì từ nay trở đi chúng ta sẽ là những kẻ
sống chết có nhau.
— Thưa ông, - Raoul cúi mình thi lễ, - tôi sẽ hết mình làm kẻ bộ hạ của
ông, tôi xin đảm bảo như vậy.
— Tôi là Bá Tước De Guise, - chàng kỵ sĩ nói tiếp, - cha tôi là Thống
Chế Grammont. Và bây giờ ông biết rõ tôi rồi, xin ông ban cho tôi vinh dự
được biết ông là ai?
— Tôi là Tử Tước De Bragelonne, - Raoul đáp và đỏ mặt lên vì không
thể nói tên của cha mình như Bá Tước De Guise đã nói.