Đo độ ế
Tôi có một bạn nữ 27 tuổi. Hôm nay bạn ấy bảo tôi ế. “Em ế hơn anh
chứ,” tôi đáp lại. “Em ít hơn anh 5 tuổi nhưng em là nữ còn anh là nam. Hai
tiêu chuẩn khác nhau. Anh dễ tìm vợ hơn em tìm chồng.”
Sau mấy phút cãi vã, hai người thở dài, bắt tay, chấp nhận bị ế bằng nhau.
Về nhà tôi suy nghĩ. Có lẽ vấn đề này có thể phân tích một cách khoa học
hơn. Đã xác định một người nam 32 tuổi và một người nữ 27 tuổi bị ế như
nhau, thì chỉ cần tạo thêm hai điểm so sánh - một điểm trước và một điểm
sau là có thể vẽ đường xu hướng chuẩn.
Điểm trước thì dễ. Theo luật pháp của Việt Nam, phải 18 mới kết hôn; cứ
cho rằng cuộc đua với chữ “ế” bắt đầu tại đó. Lúc 18 tuổi, mức độ ế của
người nam và người nữ ngang bằng nhau (mức độ thấp nhất có thể). Nữ tìm
chồng, nam tìm vợ - hai việc đó đều thực hiện như nhau, dễ như nhau.
Tiếp theo, phải xác định một điểm so sánh sau, càng xa điểm trước càng
tốt. Là người yêu sự khách quan nên tôi gọi điện một số người bạn, hỏi:
“Trong câu ‘Một người đàn ông 60 tuổi tìm vợ sẽ vất vả bằng một người
phụ nữ n tuổi tìm chồng’ thì “n” là số bao nhiêu?”.
Tôi dẫn các bạn ấy bỏ qua các yếu tố bên ngoài và đưa ra một câu trả lời
dựa trên mỗi hai yếu tố là tuổi tác và giới tính.
Câu trả lời trung bình là 38 tuổi.
Có nghĩa là nếu giàu như nhau, vui tính như nhau, thông minh như nhau,
đẹp như nhau, khả năng tán tỉnh như nhau, điều kiện gia đình như nhau…
thì thời gian (ngày) và sự nỗ lực (kilô calo) mà một người đàn ông 60 tuổi
phải bỏ ra để tìm bạn đời sẽ giống của một người phụ nữ 38 tuổi.