không. Ngoài ra, hãy thống kê toàn bộ số xe Buick màu xanh chạy ra khỏi
trạm nghỉ và tìm kiếm trong các băng ghi hình gần tỉnh lộ cũ xem trong số
những chiếc Buick này, có chiếc nào chạy đến hướng gần đường đó hay
không. Nếu có thì phải đặc biệt chú ý nó.”
Sau khi cho hai người ra ngoài, Cao Đống tiếp tục xem hồ sơ. Ông
mường tượng ra sự thật đằng sau mọi khả năng cho đến tận khuya. Ông nhìn
đồng hồ, thấy bên Mỹ lúc này đã sáng bèn vội vàng mở máy tính ra, kết nối
với Từ Sách và phấn khích nói cho anh ta biết về phát hiện quan trọng này:
“Anh bạn này, anh nói rất đúng! Mô hình toán học của anh quả là chính xác
thật! Đúng là việc điều tra của chúng tôi có vấn đề.” Rồi ông nhanh chóng
kể về cách mà chiếc Buick đã rời khỏi trạm nghỉ.
Nghe xong, Từ Sách cười: “Những gì mà tôi nói có thể đánh lừa người
khác, duy chỉ có Toán học là không gạt ai bao giờ. Nhưng lần này chỉ có thể
nói là anh đã gặp may thôi.”
“Gặp may ư?”
“Phải, anh đã phát hiện ra bí mật của chiếc Buick chạy khỏi trạm nghỉ
như thế nào, một phần rất lớn đều nhờ vào may mắn thôi. Cậu cảnh sát cấp
dưới anh đã điều tra khắp trạm nghỉ, mang tâm lý cầu may đến hỏi tiệm sửa
xe, nhờ đó mà biết được có chiếc Buick màu xanh đã đỗ lại ở đó mấy ngày,
sau khi vụ án xảy ra mới rời đi. Nếu như lúc đó cậu ta không đến tiệm sửa
xe hỏi thăm thì sao đây? Khi người ở tiệm sửa xe cho cậu ta biết về manh
mối có vẻ không liên quan gì đến vụ án, tôi nghĩ lúc đó cậu ta chắc chắn
chẳng để tâm đến vì cho rằng nó không liên quan đến vụ án, bởi trong tài
liệu mà anh đưa cho tôi xem không hề ghi chép gì về điều này. Và nếu sau
khi cậu ta trở về không buột miệng nói ra với anh thì sao? Nếu cậu ta bỏ qua
thông tin ngẫu nhiên này rồi quên luôn thì sao? Nếu bất kỳ những giả thiết
nào kể trên xảy ra thì anh sẽ không tìm ra được chiếc Buick đã chạy ra khỏi
trạm nghỉ bằng cách nào đâu, không những bây giờ không thể nghĩ ra mà
sau này càng không thể nghĩ ra được. Anh bảo như vậy chẳng phải là nhờ
vào may mắn thì là gì?”