58
ÁP ĐẶT?
G
ia đình tôi là nhà nghèo như muôn nghìn người dân Việt Nam khác.
Thuở nhỏ, tôi thường có một hộp đồ chơi như một gia tài quí báu và bí mật:
Chiếc nút chai, mảnh sành ghè cho tròn, mẩu gỗ vuông vắn, cái lọ dầu cù
là, đồng "cái" đánh đáo là một xu đồng lúc nào cũng sáng loáng, mẩu bút
chì xanh đỏ ngắn bằng đốt ngón tay, thếp giấy thuốc lá gọi là giấy bao
bạc... toàn những thứ người lớn vứt đi nhưng với tuổi bé lại là những vật vô
giá, có thứ còn thiêng liêng nữa.
Không hiểu vì một lý do gì, bố mẹ tôi cãi nhau, thế là mẹ tôi quẳng cái
gia tài quí báu ấy của tôi xuống ao. Tôi ngơ ngẩn tiếc như mất một người
bạn, mất một kho tàng, mà không thể kêu ai.
Phải năm mươi năm sau, tôi vẫn nhớ người lớn và trẻ thơ thường có
những ý nghĩ khác xa nhau đến thế. Nhiều khi người lớn lấy quyền của
mình mà áp đặt, cưỡng bức trẻ thơ làm theo ý mình dù các em hoàn toàn
nghĩ khác. Như cái hộp đồ chơi đó người lớn đâu hiểu được rằng đó là cả
một thế giới riêng của tâm hồn tôi, mất nó là tôi mất đi những niềm vui khó
bù đắp được. Nay, sao có những em bé phải rời bỏ căn nhà ấm cúng thiêng
liêng của mình để ra đi, thành đứa trẻ bất hạnh? Vết thương ấy, các em sẽ
mang theo đến bao giờ mới phai lạt, có lẽ không bao giờ phai lạt được, các
bậc cha mẹ có biết, có hiểu không?
Tại sao lại đẩy con em mình vào con đường trở thành cây xương rồng
gai góc khô cằn mà không trở thành cây hoa hồng, hoa huệ, hoa lan, hoặc
chỉ là bông hoa râm bụt?
Làm người bé thì phải học là đương nhiên. Nhưng làm người lớn, làm
cha mẹ có cần học không? Nhiều người thống nhất trả lời rằng "Có" đấy.