VII. Dâm phong
Cả hai bộ sách viết cách nhau 1.400 năm, Hậu Hán thư của Phạm Việp
và Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán đều chê nước ta nhiều dâm phong.
Mặc dầu họ dùng danh từ sai bét, sự kiện họ tả rất đúng sự thật, và sự thật
đó chỉ xảy ra ở xứ ta chớ không xảy ra ở bên Tàu trước năm 1911.
Thầy chùa Thích Đại Sán viết: “Kinh Lễ định phu phụ hôn nhơn, nam lo
việc ngoài, nữ lo việc trong. Phong tục nước Đại Việt lại trái hẳn, phụ nữ tự
do qua lại mua bán, cha mẹ chồng con chẳng lấy thế làm xấu hổ, hiềm
nghi”.
Y cho đó là dâm phong.
Trai gái lấy nhau, không theo nghi lễ Tàu, cũng bị Hậu Hán thư cho là
dâm phong.
Dầu sao, đó cũng là bằng chứng ta khác họ. Cho tới năm 1911, bên Tàu,
đi chợ mua ăn, cũng là đàn ông đi, còn nữ thì khuê môn bất xuất.
Họ gán sai cho ta phong tục dâm dật, đành thế; nhưng sự kiện hiển nhiên
là phong tục ta khác họ quá xa, gái tự do đi đứng, không bị nhốt theo lời
dạy của Kinh Lễ đời Chu, mặc dầu ta học Kinh Lễ rất thuộc bài.
Thế thì còn gì sự tương đồng giữa phong tục gốc của hai dân tộc?
Mãi cho đến ngày nay mà trong Chợ Lớn, kẻ đi chợ mua ăn cũng cứ là
đàn ông Tàu, chớ không phải đàn bà, mặc dầu người ở đây đã chịu ảnh
hưởng Tây phương nhiều lắm rồi.
Tưởng sử gia Nguyễn Phương nên đi du lịch ở nước Tân Gia Ba một
chuyến mới được. Ở đó dân Hoa kiều tới đông, đẩy người bổn xứ thành thế
thiểu số, rồi dựng lên quốc gia Tân Gia Ba, y hệt như cái nước Giao Chỉ của