* *
Nhờ Tả Khâu Minh mà ta biết rõ đơn giản đích xác của từng nhóm Bộc.
Theo họ Tả thì nước Bộc là nước chánh hiệu của nhóm Bộc Việt, nhưng
không rõ nằm tại đâu. Nhưng nước Viên thì nằm tại đầm Mộng.
Cũng nên biết sơ qua về hai cái đầm danh tiếng ở vùng đó là đầm Vân và
đầm Mộng, được Kinh Thư nói đến khá nhiều. Hai đầm lầy nằm khít nhau,
một ở tả ngạn Dương Tử, một ở hữu ngạn Dương Tử. Nó giống như đồng
Tháp Mười của ta là ở quá thấp và toàn là bùn lầy không dùng được. Nhưng
đến đời Chu thì nó đã đầy lần, khô lần, vì thiên Vũ Cống cho rằng đất đã
cày cấy được rồi nên nước Viên lập quốc ở đó là chuyện dĩ nhiên.
Nhà bác học Trung Hoa ngày nay, Lăng Thuần Thanh, gọi đó là hồ Vân
Mộng còn các nhà học giả ta thì cho đó là tên thứ nhì của hồ Động Đình.
Nhưng chúng tôi kiểm soát thì không phải thế. Đọc quyển địa lý mới
nhứt của Trung Hoa là quyển Tối tân Trung Quốc phân tỉnh đồ, ta chỉ thấy
bình nguyên Vân Mộng, chớ không có cái hồ nào tên là hồ Vân Mộng cả,
mà bình nguyên ấy lại nằm cách xa hồ Động Đình đến một trăm cây số.
Hồ Động Đình chỉ có bốn tên mà chúng tôi đã ghi ra rồi ở chủng Nam
Mông Gô Lích, còn hồ Vân Mộng, có lẽ hồi thượng cổ là hồ thật đó, nhưng
đến đời Chu thì nó đã được bồi đắp thành bình nguyên rồi. Các học giả ta
lẫn lộn hai tên, còn Lăng Thuần Thanh thì không lẫn lộn, nhưng có lẽ viết
theo tài liệu thượng cổ mà cánh đồng ấy còn là hồ.
Như đã nói, Tả Khâu Minh cho biết nước Viên ở đầm Mộng, còn Lăng
Thuần Thanh thì cho biết nước Bộc nằm cạnh “hồ Vân”. Mặc dầu họ Lăng
sai loại danh, nhưng nhờ họ Lăng mà ta đoán được rằng nước Bộc đối diện
với nước Viên, Viên chiếm đầm Mộng, thì Bộc hẳn là phải chiếm đầm Vân
ở tả ngạn Dương Tử.