tội, sau đó sẽ đi tảo Bắc.
Khâm sai từ biệt ra về, Nhạc Nguyên soái đưa ra khỏi thành mới trở lại.
Khâm sai về rồi, Nhạc Nguyên soái bùi ngùi thương nhớ Ngưu Cao, vội
sai người theo gọi lại, nhưng quân sĩ đi tìm kiếm khắp nơi vẫn không ra
tông tích phải trở về bẩm lại. Nguyên soái buồn bực bứt rứt không an,
nhưng phải nén lòng ráng chịu.
Còn Ngưu Cao khi bị Nhạc Nguyên soái đuổi đi thì một người một ngựa
lặng lẽ ra đi ước chừng vài mươi dặm, trong bụng đói như cào. Vừa đến
một khu rừng kia chợt trông thấy một tên đạo đồng, chàng kêu hỏi:
- Chú em, trên núi này có chùa miếu chi không?
Tên đạo đồng đáp:
Núi Bạch Vân này không có miếu chùa chi hết, chỉ có một cái am nho
nhỏ, thầy tôi ở đó tu luyện lâu nay, đạo pháp đã tinh thông, biết điều khiển
âm binh, hô phong hoán vũ.
Ngưu Cao lại hỏi:
- Thầy em gọi là gì?
- Thầy tôi họ Bảo tên Phương, nên người ta thường gọi là Bảo Phương
Lão tổ. Hồi sớm mai này người có dặn tôi rằng: Hôm nay có một vị tướng
công đi ngang qua đây tên là Ngưu Cao, nếu có gặp người ấy phải mời
thẳng lên núi, vậy tướng công có phải Ngưu Cao không?
Ngưu Cao nghe qua thất kinh nói:
- Quả thật ta là Ngưu Cao đây, ngươi hãy dẫn ta lên núi ra mắt thầy
ngươi.