Ngay sau đó, trong ngày 12/5/1960, Đại sứ Nolting đã gởi cho Ngoại
trưởng Dean Rusk một báo cáo mật như sau: "Tướng Mc Garr và tôi có
mặt tại cuộc thảo luận giữa ông Diệm và Phó Tổng Thống Johnson về việc
đưa lực lượng Mỹ vào Việt Nam. Ông Diệm đã nói với Phó Tổng Thống
rằng ông ta không muốn quân chiến đấu Hoa Kỳ đến Việt Nam, trừ trường
hợp miền Bắc công khai đưa quân xâm lược". Ông cho Bộ Ngoại Giao biết
ông cần sự hướng dẫn của Washington trong vấn đề này.
Phó Tổng Thống Johnson vừa rời Việt Nam vào ngày 13/5/1960 thì ngày
15/5/1960, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã gởi ngay cho Tổng Thống
Kennedy một văn thư nhắc lại cuộc gặp gỡ giữa hai bên và nói :"Chúng tôi
sẵn sàng hy sinh xương máu và nhân lực để cứu vãn xứ sở chúng tôi, và tôi
biết rằng chúng tôi có thể trông cậy vào sự yểm trợ vật chất của quý quốc,
một sự yểm trợ vô cùng thiết yếu để đạt được thắng lợi cuối cùng".(5)
Qua văn thư này, rõ ràng Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã gián tiếp bác bỏ
việc đưa quân đội Mỹ vào Việt Nam. Washington không hài lòng về sự từ
chối đó, nên chỉ viện trợ nhỏ giọt khiến Quân đội Việt Nam Cộng Hòa
không đủ sức đẩy lui toàn bộ cuộc xâm lăng của Cộng Sản. Tình hình quân
sự ngày càng xấu đi.
Các nhà phân tích nói rằng Hoa Kỳ muốn cho tình hình quân sự trở nên xấu
hơn để chính phủ Ngô Đình Diệm phải yêu cầu Hoa Kỳ đổ quân và cho
thiết lập các căn cứ quân sự
• Cái bẫy sập được đưa ra :
Biến cố Phật Giáo là một cơ hội tốt để Hoa Kỳ thực hiện ý định lật đổ
chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông Lê Văn Dư, Trưởng ty Công an Thừa
Thiên lúc đó có nói với tôi về những sự liên hệ chặt chẽ của các nhân viên
Tòa Lãnh sự Mỹ ở Huế với Thượng toạ Thích Trí Quang ở chùa Từ Đàm.
Những lần đầu, các cuộc gặp gỡ đều có sự có mặt của ông Lê Văn Dư. Các
lần sau, các viên chức Lãnh sự Mỹ tự liên lạc lấy. Ông có cho công an theo
dõi. Chính nhờ sự khuyến khích của các nhân viên tình báo Hoa Kỳ,
Thượng Tọa Thích Trí Quang càng ngày càng làm mạnh hơn.