Thụy An nói nhỏ. Dù chỉ gặp nhau trong thời gian ngắn nhưng nàng biết
mình yêu Hữu. Ông Việt Kiều hồi hương già hơn nàng hai mươi ba tuổi là
một người đàn ông lạ lùng và đặc biệt mà nàng tìm kiếm hơn mười năm
qua. Hữu là một người-rất-người. Hữu sống thật với bản ngã của chính
mình, không có chút kịch tính, không đeo cái mặt nạ. Hữu khác với những
người đàn ông cùng giai cấp với nàng. Họ là những kẻ có tiền, địa vị, danh
vọng và quyền lực. Tuy nhiên họ lại thiếu, thiếu rất nhiều cái nhân tính, cái
chất người. Không những ăn gian nói dối, lừa bịp, gạt gẩm, tráo trở, có nói
không, không nói có; họ còn thiếu mất một thứ mà nàng tìm kiếm. Tình
cảm. Dường như càng nhiều tiền bạc họ càng tham lam và ích kỷ hơn.
Dường như càng cao danh vọng họ càng đâm ra ti tiện, nhỏ nhoi và bẩn
thỉu hơn. Dường như càng nhiều uy quyền họ lại có ít đi tình thương. Họ
không biết thương yêu người cùng màu da và huyết thống với mình. Họ
không yêu thương những người chung quanh. Họ cười vui sướng khi thấy
người khác đau khổ. Càng sống, càng chung đụng với những người cùng
chung giai cấp Thụy An càng cảm thấy gờm nhớm và đâm ra có mặc cảm
phạm tội. Nàng đã sống trên mồ hôi và nước mắt của người khác. Nàng ung
dung hưởng thụ trên máu, trên nổi khổ đau của đồng bào chung quanh. Cái
mặc cảm phạm tội đó ám ảnh và cắn rứt nàng khiến cho nàng oại oằn và âm
thầm khổ sở. Cho tới khi nàng gặp Hữu. Ngay khi thấy Hữu đứng trên lan
can trước mũi tàu nàng biết mình đã gặp người đàn ông mà mình cần thiết
và đã khổ công tìm kiếm trong thời gian dài. Ông Việt Kiều hồi hương đó
xa lạ mà gần gụi, thờ ơ mà thân mật, rụt rè mà thẳng thắn. Điều mà nàng
thích nhất ở Hữu là sự thành thật. Đó là điều mà nàng không thể tìm thấy ở
bất cứ nơi người đàn ông cùng giai cấp với mình. Hữu cho nàng tiếng cười
hồn nhiên không có chút nào kịch tính. Nàng cười hả hê, cười vui sướng
chứ không phải là cái nhếch môi kiềm chế và giả tạo. Hữu làm cho nàng trở