I
Paris có đứa trẻ, trong rừng có con chim. Con chim là con chim sẻ, đứa
trẻ là thằng “nhóc con”.
Gắn hai ý niệm đó với nhau, một chứa đựng tất cả cái lò lửa hừng hực,
một tất cả bình minh, làm cho hai tia lửa đó chạm nhau: Paris và tuổi trẻ, sẽ
nảy ra sinh vật nhỏ mà Plaute
sẽ gọi là Homuncio (con người nhỏ).
Đứa bé ấy lúc nào cũng vui. Ăn thì ngày no, ngày đói, nhưng tối nào
muốn đi xem hát cũng đi được. Người không bận áo, chân không vướng
giầy, đầu không có mái nhà, đứa bé ấy giống như con chim con không còn gì
cả trên trời kia. Nó vào trạc từ bảy đến mười ba tuổi, tụm năm túm ba, lê la
trên vỉa hè, trời là màn, đất là chiếu; quần của bố mặc dài và quết đất, mũ
của một bố khác, chụp quá mang tai, quần lủng lẳng chỉ còn một dải treo thế
mà nó chạy lăng xăng cả ngày, dòm chỗ này, ngó chỗ khác, nhặt cái này,
quơ cái kia, lê la hết giờ này qua giờ khác, phì phèo điếu thuốc, chửi rủa,
văng tục như ma, vào ra quán rượu thậm thọt, quen kẻ cắp, mày tao với gái
điếm, nói lóng, hát nhảm thế mà chẳng có chút ác ý nào. Vì lòng nó chứa
một hòn ngọc, hòn ngọc tuổi thơ ngây, mà ngọc thì có ngâm dưới bùn cũng
chẳng tiêu tan trong bùn. Chúa muốn rằng khi con người còn là trẻ con thì
lòng phải ngây thơ vô tội.
Nếu người ta hỏi cái thành phố khổng lồ: “Thằng bé ấy là ai?”. Nó sẽ trả
lời: “Con tôi”.