nghe ông Tài kể, buộc ông Hạng phải đánh giá lại. Ông lại nghĩ đến một
bài báo ông đã đọc từ hai năm trước. Người ta báo động về tình trạng các
cô gái ở nông trường Kim Bôi khủng hoảng hạnh phúc. Một nông trường
mà có tới hàng trăm cô gái lỡ thì ở tuổi ba mươi, bốn mươi. Đọc bài báo,
hai ngày sau ông Hạng còn ngơ ngẩn, dằn vặt. Ông nghĩ đến hàng vạn cô
gái lỡ dở đang lặng lẽ chôn vùi cả thời xuân sắc của họ trên những lâm
trường, công trường heo hút như ở vùng Sông Bôi kia. Mến cũng là một
trong những cô gái bất hạnh ấy. Ở cô, cũng như tất cả những người phụ nữ
khác đều có cái thiên chức cao cả mà nhân loại đã trao phó cho họ, và họ
luôn hướng tới cái thiên chức cao cả ấy với một mong ước cháy bỏng là
được làm mẹ. Họ sẵn sàng đánh đổi mọi danh dự, địa vị, quyền lợi để được
cái quyền ấy. Báo chí đã đánh động dư luận xã hội hãy lưu tâm đến những
người phụ nữ bất hạnh có nguy cơ không được quyền làm mẹ. Nhưng xã
hội dường như vẫn bất lực. Người ta vẫn hô hào nhân đạo một cách chung
chung vậy thôi. Thậm chí người ta còn tìm cách chen nhau về thành phố,
đến những nơi đô hội để đẩy những cô gái cả tin và ngây thơ lên những
vùng heo hút, thiệt thòi về mọi phương diện, trong đó những thiếu hụt về
tình cảm là việc không thể bù đắp được.
Là một người trọng đạo đức, nhưng ông giáo Hạng không nệ cổ. Ông
luôn chịu khó đổi mới cách nhìn bằng sách báo và những thông tin đại
chúng hàng ngày, vì thế, với cảnh ngộ của Mến bây giờ, tự nhiên ông có nét
gì đồng cảm, nửa như tâm trạng của một người cùng cảnh ngộ, nửa như
tình cảm của một người cha.
- Có một cách giải quyết- Ông nói nhưng lại lảng tránh ánh mắt ông Tài -
Em có người bạn thân hiện đang là giám đốc một nông trường cao su phía
nam. Nếu cô Mến và cháu Phát đồng ý, em sẽ viết thư cho anh ấy, xin cho
cô Mến vào làm việc...
- Nhưng còn chuyện sinh đẻ của nó?
- Cô ấy cứ việc sinh đẻ. Mọi người sẽ mặc nhiên nghĩ rằng cô ấy có
chồng ngoài Bắc. Tất nhiên, riêng ông giám đốc thì phải biết rõ ràng mọi