tương lai chỉ là một ảo giác, dù ảo giác đó có dai dẳng đến mức nào thì
cũng là ảo giác.
Tôi trầm ngâm một lúc, chân vẫn tiến từng bước từng bước thẳng hàng
bên rìa vệ đường. Cuối cùng, tôi hỏi:
- Lou, anh có thể giải thích cho tôi hiểu ý của Einstein « Lý thuyết quyết
định sự quan sát » không? Tôi thật không hiểu rõ ý nghĩa điều này lắm...
- Ồ! Tôi không phải chuyên gia trong lĩnh vực này... Ý này nói rằng
những niềm tin, những điều chúng ta tin chắc (không có ý tôn giáo gì, chỉ
là tập hợp những điều chúng ta cho là thật) ảnh hưởng trên những gì chúng
ta quan sát được từ thực tế. Trong Vật lý Lượng tử, là nơi ý tưởng này khởi
nguồn, điều này được chứng minh cụ thể một cách dễ dàng.
Còn nhìn từ lĩnh vực chuyên môn của tôi, thì nghe nhé: Hãy nhớ lại lần
đầu tiên mà một sự kiện gì đó xảy ra trong đời ta, khi ấy ta không hề biết gì
về nó, nên không có tiên kiến gì trong việc diễn giải nó. Khi ấy, sự kiện xảy
đến, chúng ta trải nghiệm hoặc quan sát, và cha mẹ dạy cho chúng ta ý
nghĩa của sự việc ấy. Ta mới tự bảo mình: À thì ra nó là thế! Những cách
diễn giải Hiện thực này sau đó được chúng ta ghi lại trong bộ nhớ của
mình, và từ đó nó định hướng cả cuộc đời ta từ đó về sau. Đó là điều mà
Konrad Lorenz đã gọi là “đóng dấu”.
Khi đó, có thể nói rằng Ma trận được lập trình. Dĩ nhiên, đây là một ẩn
dụ thôi. Và sự kiện trước đó xảy ra có khuynh hướng lặp lại (đơn giản là vì
ta có khuynh hướng nghĩ về nó, bị ám ảnh bởi nó), cũng tương tự như ví dụ
anh mua xe rồi sau đó đột nhiên nhìn thấy xe cùng loại chạy nhan nhản
ngoài phố... Và anh lại càng tin chắc là lại sự kiện đó có thể trở lại (vì anh
mới quan sát thấy nó lần thứ hai cơ mà)! Vậy là cách anh diễn giải thế giới
– nghĩa là chương trình Ma trận ứng với anh khi ấy – lại được củng cố
thêm. Và cái hiện tượng thấy – tăng lòng tin, thấy – tăng lòng tin ngày càng
xảy ra thường xuyên hơn nữa, để cuối cùng trở thành một điều bình thường
đối với anh. Với anh, đó là thế giới anh sống: Hiện thực. Nói chính xác là
Hiện-thực-của-anh.