Lai lịch một dòng họ có truyền thống y dược
Về câu chuyện Đông y ở tại Vĩnh Long, sinh quán của các nhà văn
Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, Hồ Trường An, Hứa Hoành, Đông Nghi, Trần Long
Hô, thì vị Đông y sĩ nổi tiếng vào đầu thế kỷ 19 là ông Nguyễn Viết Đức,
ông sơ của 3 nhà văn Thuỵ Vũ, Hồ Trường An và Trần Long Hồ.
Ông Nguyễn Viết Đức là con tư sinh (con rơi) của quan Công bộ Thị
Lang Nguyễn Viết An ở triều đình ngoài Huế. Vâng lịnh vua Tự Đức, quan
Thị Lang vào Nam điều khiển công việc làm đường quan lộ từ Gia Định
đến Gò Công, Định Tường. Trong thời gian coi sóc công việc làm đường,
cụ Nguyễn Viết An có dan díu với một cô thôn nữ ở huyện Trinh Tường,
thuộc phủ Tân An. Khi công việc đắp đường, xây cầu hoàn tất, cụ Nguyễn
Viết An trở về Huế. Cô thôn nữ mang bầu. Trước khi chia tay với người
yêu, cụ An dặn dò cô sau khi đứa con lớn lên, phải cho vào chùa học chữ
nghĩa và y lý với hoà thượng trụ trì tại một ngôi chùa ở Trinh Tường. Ông
lại còn tặng cho cô một số sách về y dược, bảo rằng để dành cho đứa con
sau này.
Cô thôn nữ hạ sanh một đứa con trai, đặt tên là Nguyễn Viết Đức. Cậu
Đức lớn lên trong sự nghèo túng, được hoà thượng Trinh Tường dạy học
chữ lẫn học thuốc. Sau khi hoà thượng viên tịch, cậu rời khỏi chùa mình
trần, chỉ có chiếc khố che thân. Về sau, cậu theo ghe thương hồ từ Tân An
về miệt Vĩnh Thanh (tức Vĩnh Long sau này), sau một thời gian cư ngụ tại
phủ Định Tường. Bởi nghèo quá, cậu Đức không có tới hai cái quần. Cái
quần cụt vải đen, cậu dùng để đi chợ tỉnh. Còn cái quần mà cậu lui tới trong
làng là quần khạp… Đó là cái khạp sành lủng đít, cậu khoét hết đáy cho
rộng, rồi lòng khúc dưới vào khạp, có dây buộc choàng lên cổ. Dân Hậu
Giang vào mấy năm kinh tế khủng hoảng, cũng thường mặc quần khạp.
Thời may, có cô con gái ông phú hộ ở Long Hồ dinh (Vĩnh Long) mắc bịnh
nặng: Bụng sình chướng, mình mẩy sưng vù, da nứt nẻ, chảy nước vàng,
hơi thở hôi hám. Sanh mạng như ngọn đèn cạn dầu các danh y trong vùng
và ở Tâm Phong Long, Định Tường đều bó tay.