đồng tính nam và lưỡng tính. Anh nói với Pavel: “Tôi hỏi em câu nào thì em phải
trả lời câu đó!”.
Khi hiểu ra anh Marcus đang muốn định hướng lại chính mình, tôi đã
khuyên anh ấy rằng “cuộc truy sát” anh ấy đang làm có thể sẽ chỉ khiến anh ấy
thêm tức giận, xa cách và kiểm soát Pavel chứ không giúp anh yên lòng hơn.
Cách này chỉ hợp lý đối với những cặp đôi đã đồng thuận về những giới hạn
nhất định cần tuân thủ để đảm bảo tâm hồn mình bình yên, ví dụ ngừng gặp gỡ và
liên lạc với nhân tình, tan sở là về nhà ngay lập tức chứ không ghé quán bar.
Chúng ta thường cho rằng những người ngoại tình đáng bị tước hết mọi
quyền riêng tư. Trong thời đại số, nhân danh việc xây dựng lại niềm tin, những
người bị phản bội thường đòi hỏi người đã ngoại tình phải cho mình quyền truy
cập điện thoại, e-mail, tài khoản mạng xã hội,... để “giám sát” . Nhà tâm lý và
tác giả Marty Klein chỉ ra rằng cách làm này thực ra chỉ đang đe dọa lòng tin:
“Ta không thể ngăn ai đó phản bội mình lần nữa. Họ hoặc chọn chung thủy hoặc
không. Nếu họ đã không muốn chung thủy thì ta không cách nào ngăn được
đâu”.
Niềm tin và sự thật là những người bạn đồng hành thiết thân, nhưng chúng
ta cũng phải nhận biết rằng sự thật có muôn hình vạn trạng khác nhau. Ta cần xác
định được những sự thật nào là có ích cho riêng ta, cho đôi ta. Có những sự thật
giúp ta sáng tỏ chuyện ngoại tình của người ấy, có những sự thật chỉ khiến ta đau
đớn thêm. Cách ta chất vấn người đã phản bội ta sẽ quyết định ta đang đóng vai
một “cảnh sát điều tra” hay một “người bạn đồng hành” . Và tất nhiên, điều này
cũng quyết định khả năng hàn gắn mối quan hệ.