Chương 14
Đơn giao và những bất mãn
Nghĩ lại về hôn nhân
“Chẳng phải những vụ ngoại tình là bằng chứng cho thấy chế độ một vợ
một chồng không hợp với bản chất con người hay sao?”
Câu hỏi ấy cứ lởn vởn trong đầu tôi. Và giờ nó được một phụ nữ trẻ nêu ra
khi phát biểu tại một hội thảo: “Nếu như bỏ đi sự chuyên chế trái tự nhiên của
chế độ đơn giao một vợ một chồng, phải chăng chúng ta sẽ tránh được rất nhiều
nỗi đau, nỗi khổ và sự lừa dối từ chuyện ngoại tình? Tại sao chúng ta không thể
có những cuộc hôn nhân dựa trên sự đa giao nhằm giải quyết vấn đề bội bạc?”.
Tôi thấy nhiều cái đầu bên dưới gật gù đồng tình.
Rồi một người đàn ông tứ tuần đứng lên trả lời: “Tôi không phản đối chuyện
ngủ lang. Nhưng đừng có giả vờ gọi đấy là hôn nhân! Nếu thích ngủ lang, bạn có
thể sống độc thân và tự do. Hôn nhân đích thực đồng nghĩa với cam kết thật sự”.
“Vậy vì sao phải cam kết với chỉ một người? Chúng ta có thể cam kết với
nhiều người bạn hay nhiều đứa trẻ, tại sao không thể cam kết với nhiều người
tình?” - Một người phản bác.
Một người bảo vệ đơn giao bác lại: “Không giống nhau! Kinh Thánh nói
rằng tình yêu và tình dục là linh thiêng. Ta không thể gieo chúng một cách tùy
tiện”.
Người đã châm ngòi cho cuộc tranh luận gay gắt thốt lên: “Nhưng đó là
điều mọi người đang làm rồi đó thôi! Mọi người chỉ đang lấp liếm sự thật. Khác
biệt có chăng là một số người chấp nhận đơn giao là đi ngược lại với tự nhiên, và
muốn luôn chân thành với bản thân và với bạn đời của mình”.
Tôi hiểu được logic phía sau lập luận này: Nếu đơn giao là không tự nhiên
thì việc ràng buộc người khác nghiêm túc thực hiện nó chỉ khiến họ có một lựa
chọn duy nhất là ngoại tình. Nếu ta không muốn họ lừa dối mình thì hãy giải
thoát cho họ, thế là không ai phải đau khổ nữa.